ISSN-2815-5823
Thứ hai, 00h35 29/04/2019

Brexit: “Hút xoáy” của kinh tế châu Âu

(KDPT) – Việc Vương quốc Anh “dứt tình” với Liên minh châu Âu (Brexit) đã trở thành “cú sốc” lớn đối với khu vực kinh tế được kì vọng trở thành đối trọng của Mỹ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hóa. Đến nay, những hệ lụy mà sự kiện Brexit gây ra đang đe dọa trở thành tổn hại lâu dài đối với cộng đồng kinh tế châu Âu.

Anh: được hay mất?

Cuối năm 2016, ngay sau quyết định Brexit của Vương quốc Anh, nhiều quan điểm còn khá lạc quan khi đánh giá về kinh tế của Anh “hậu Brexit”. Theo báo cáo của một trong những tập đoàn về dịch vụ lớn nhất thế giới PWC, nền kinh tế Anh được kỳ vọng sẽ tăng trưởng nhanh hơn Pháp, Đức và Ý trong một thời gian dài mặc cho những khó khăn mà Brexit gây ra trong một vài năm tới. Cụ thể, báo cáo với tiêu đề: “Tầm nhìn dài hạn: Thứ hạng của kinh tế toàn cầu sẽ thay đổi như thế nào trong năm 2050” đã xếp hạng 32 quốc gia theo GDP toàn cầu dựa trên ngang giá sức mua (PPP). Theo đó, vào năm 2050, Vương quốc Anh sẽ bị rớt hạng từ vị trí thứ 9 xuống vị trí thứ 10. Tuy vậy, từ năm 2016 đến 2050, mặc cho “những khó khăn trung hạn từ Brexit”, kinh tế của Anh sẽ tăng trưởng nhanh hơn một số cường quốc của châu Âu.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cũng phản biện: Cái nhìn dài hạn đóng vai trò rất quan trọng khi chúng ta chú tâm đến một số vấn đề như trợ cấp, chăm sóc sức khỏe, năng lượng, biến đổi khí hậu, nhà ở, phương tiện giao thông và một số đầu tư về cơ sở hạ tầng khác. Với việc nhìn vào chu kì ngắn hạn của kinh tế và chính trị, chúng ta không thể dự đoán trước được, trong khi tập trung vào phép chiếu tăng trưởng cơ bản và dài hạn có thể sẽ đáng tin cậy hơn so với những dự báo ngắn hạn.

Và đến quý IV/2018, nền kinh tế Anh giảm tốc khiến tốc độ tăng trưởng cả năm giảm xuống mức thấp nhất 6 năm do Brexit gây trở ngại đầu tư.

Cụ thể, hãng tin Reuters dẫn số liệu chính thức công bố ngày 11/2/2019 cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Anh chỉ tăng 0,2% trong quý IV, từ mức tăng 0,6% đạt được trong quý III. “GDP đã giảm tốc trong quý IV do sản lượng xe hơi và các sản phẩm thép giảm mạnh và hoạt động xây dựng cũng giảm”, tuyên bố của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cho biết.

Cả năm 2018, tốc độ tăng trưởng GDP của Anh chỉ đạt 1,4%, thấp nhất kể từ năm 2012, so với mức tăng 1,8% đạt được trong 2017. Đầu tư của các doanh nghiệp Anh trong quý 4 giảm 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm mạnh nhất kể từ quý 1/2010, khi kinh tế Anh đang ra khỏi suy thoái. Chi tiêu của các hộ gia đình vẫn khá vững vàng, tăng 1,9% .

Mới đây nhất, đầu tháng 4/2019, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, nền kinh tế Anh có nguy cơ đối mặt với một cú sốc nghiêm trọng nếu nước này Brexit mà không đạt được thỏa thuận, đồng thời cảnh báo nguy cơ đình trệ thương mại nghiêm trọng và tăng trưởng kinh tế chậm hơn.

Châu Âu và “xoáy hút” Brexit

Brexit không chỉ khiến Vương Quốc Anh thiệt hại. Các đối tác thương mại chính của Luân Đôn cũng đang lo âu không kém. Một nước nhỏ như Đan Mạch, với khoảng 6 triệu dân, hàng năm xuất khẩu 13 tỷ euro hàng sang Anh Quốc, đang gấp rút tìm những thị trường mới. Riêng với Pháp, Anh là một trong số 10 bạn hàng quan trọng nhất, là thị trường tiêu thụ 5 % hàng xuất khẩu “made in France”, 30.000 doanh nghiệp Pháp xuất khẩu sang Anh Quốc.

Riêng tại các thành phố cảng ở phía bắc từ Brest đến Le Havre hay Calais…, một phần lớn các hoạt động kinh tế phụ thuộc vào giao thương với vương quốc Anh. Mỗi ngày có ít nhất 50.000 tấn thực phẩm phải đi qua các cửa khẩu của Pháp, trước khi đến tay người tiêu dùng ở bên kia bờ biển Manche; gần 140 tỷ euro hàng hóa hai chiều trung chuyển qua đường hầm dưới lòng biển Manche. Theo thống kê của bộ Giao Thông Pháp, trong năm 2017, chỉ riêng hai thành phố cảng là Calais và Dunkerque đã là cửa khẩu của 4,2 triệu xe tải giữa Anh Quốc và châu Âu lục địa.

Tái lập đường biên giới giữa Anh và Pháp không phải là chuyện dễ làm, đó là chưa kể hàng loạt những khó khăn đặt ra về quyền tự do đi lại của người lao động giữa Liên Âu và Anh Quốc sau này.

Giữa tháng 12/2018, Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu đã giảm dự báo tăng trưởng của Liên minh châu Âu. Tại Berlin, bộ trưởng Tài Chính Đức báo động “thời kỳ vàng son đã đi qua”, tăng trưởng của Đức sẽ chựng lại trong năm nay một phần do “hiệu ứng Brexit”.

Brexit đang chi phối chính quyền Luân Đôn và đang đặt các đối tác châu Âu của Anh Quốc vào thế lúng túng không kém, đặc biệt là trong bối cảnh, tháng 5/2019, toàn Liên Hiệp Châu Âu sẽ bầu lại Nghị Viện.

Hà Thu



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 06/10/2024