ISSN-2815-5823
Thứ hai, 04h49 21/06/2021

Chào mừng 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2021) Lao vào tâm dịch

(KDPT) – Hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội. Nghề báo cũng không nằm ngoài sự tác động đó. Với các phóng viên, biên tập viên, tác nghiệp, làm nghề trong “thời Covid-19” cũng mang lại nhiều kỷ niệm khó quên. Kinh doanh và Phát triển đã có cuộc trò chuyện cùng chị Nguyễn Ngọc Anh, phóng viên, biên tập viên hiện đang công tác tại Phòng Thời sự-Chính trị Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình để bạn đọc có cơ hội hiểu hơn công việc hàng ngày của một người làm báo trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.

Phóng viên, Biên tập viên Ngọc Anh tác nghiệp tại một Chốt kiểm dịch Covid-19 ở cửa ngõ ra vào tỉnh Thái Bình.

PV: Chào chị Ngọc Anh, dịch Covid-19 đã làm thay đổi cách thức, hoạt động sản xuất tin bài đối với chị như thế nào?

Dịch Covid-19 đã làm thay đổi khá nhiều đối với cách thức hoạt động, sản xuất tin bài của tôi. Bình thường, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình nơi tôi đang công tác, mỗi phóng viên sẽ phụ trách chính một mảng (tôi được phân công phụ trách mảng giáo dục). Nhưng trong “mùa dịch”, phóng viên nào cũng sẽ tác nghiệp những tin bài về Covid-19. Bên cạnh đó, tin bài phải cực kì nhanh chóng, chính xác, trước khi đăng tải, phát sóng. Ví dụ, 7h sáng tôi đi quay thì cần phải viết và dựng tin bài hoàn chỉnh để phát nhanh nhất có thể trên fanpage Facebook và phát trong Bản tin Thời sự gần nhất.

Chị đã bao nhiêu lần đi vào vùng dịch để tác nghiệp? Những điều mà chị cần phải chú ý khi tác nghiệp tại vùng dịch là gì?

Tôi không nhớ được chính xác số lần đi vào vùng có dịch hay tâm dịch nữa. Cứ nhận được phân công của lãnh đạo, hay bản thân tôi nắm bắt được thông tin mới về dịch, ekip chúng tôi (thường gồm 1 biên tập và 1 quay phim) lập tức lên đường. Khi tác nghiệp tại vùng dịch, tuy cần nhanh chóng nhưng cũng phải đảm bảo việc giữ an toàn phòng dịch. Tôi phải đeo khẩu trang cẩn thận, mặc đồ bảo hộ, đeo mũ chống giọt bắn. Bên cạnh đó trong quá trình tác nghiệp, nếu nhân vật của tôi hoặc bất cứ người dân nào thực hiện phòng dịch chưa chuẩn, tôi tham gia góp ý ngay. Tôi thật sự mong muốn tất cả mọi người phải chủ động, ý thức phòng dịch thật an toàn.

Khi làm việc tại một môi trường đặc biệt như vậy, chị có suy nghĩ như thế nào? Câu chuyện nào khi tác nghiệp tại vùng dịch khiến chị ấn tượng nhất?

Tôi có rất nhiều suy nghĩ. Đầu tiên đó là vinh dự và trách nhiệm. Việc truyền tải nhanh và chính xác nhất những thông tin hữu ích về tình hình dịch bệnh đến cộng đồng, đó là niềm vinh dự đồng thời cũng là nhiệm vụ rất quan trọng. Tôi luôn làm việc bằng tất cả trách nhiệm, năng lực của mình.

Nhưng bên cạnh đó, cũng có lúc cảm thấy tủi thân. Ngoài làm nhiệm vụ là phóng viên, tôi cũng tham gia lên hình một số bản tin của Đài. Những hôm thời tiết nắng nóng cao điểm mà sáng đi làm, chiều về lên hình. Lúc trang điểm, tôi thấy làn da của mình ngày càng bị sạm đi vì nắng, tôi buồn chứ. Rồi có những hôm, vừa cầm bát cơm trên tay, nhưng cấp trên gọi điện giao nhiệm vụ đột xuất, phải đứng dậy và đi quay liền, bát cơm để lại chẳng kịp ăn nữa.

Có 2 câu chuyện đẹp mà có lẽ cả đời này tôi sẽ nhớ mãi. Câu chuyện thứ nhất, đó là hôm tôi tác nghiệp về cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp ngày 23/5/2021 tại khu vực phong toả xã Bình Minh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Xã chia thành 4 tổ với 4 hòm phiếu lưu động đến từng nhà người dân, phục vụ bầu cử. Thời tiết hôm đó nắng nóng cao điểm, tôi khoác lên mình bộ đồ bảo hộ và đeo khẩu trang, đi theo tổ lưu động đến nhà dân. Dù có khó khăn, nhưng hôm đó tôi vẫn thấy vui. Bởi người dân, ai cũng vui mừng khi phải sống trong vùng phong toả nhưng vẫn được thực hiện quyền dân chủ của mình. Tôi nghĩ là khi đó, niềm vui của tôi có được là nhờ niềm vui của mọi người dân.

Câu chuyện thứ 2 tôi muốn chia sẻ, đó là khi tác nghiệp tại chốt kiểm dịch nằm ở cửa ngõ ra vào tỉnh. Lại là nắng nóng, mức nhiệt trên 40 độ. Nắng như đổ lửa, nhưng tôi không hề thấy mệt. Trong góc nhìn của tôi lúc đó, là hình ảnh những cán bộ phòng, chống dịch đang làm nhiệm vụ hăng say. Công an, bộ đội đứng giữa đường nhựa, điều tiết giao thông và hướng dẫn người dân vào khu vực kiểm tra sức khoẻ, khai báo y tế. Những cán bộ còn lại, ngồi trong lán trại dù phủ kín mít, ủ nhiệt có khi còn nóng hơn cả việc đứng ngoài đường. Ai nấy đều phải cố gắng mới có thể giữ được sức khoẻ, hoàn thành được nhiệm vụ của mình.

Ngày hôm đó, sau khi tác nghiệp xong, về đến nhà tôi thấy bị đau đầu, xem lại file ghi hình hiện trường thấy giọng mình bị lạc đi, mới biết là cơ thể mình cũng bị mệt. Buổi ghi hình hôm đó tuy vất vả, nhưng thật lòng tôi thấy mình may mắn. Tôi chỉ ra nắng một lúc thôi, còn các y bác sĩ và lực lượng chức năng vất vả gấp nhiều lần.

Tôi ghi nhớ hai câu chuyện này, bởi sau những khó khăn, tất cả mọi người và cả bản thân tôi đều đã rất nỗ lực và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chỉ cần cố gắng hết sức mình, tôi nghĩ mọi chuyện đều sẽ ổn.

Gia đình và bạn bè nghĩ như thế nào khi chị đi tác nghiệp tại vùng dịch, nhất là “thân gái dặm trường” ?

Có người ủng hộ và tạo điều kiện, có người vừa đùa vừa thật: “Làm vừa thôi”. Nhưng nhiệm vụ của mình mà, tôi vẫn sẽ tiếp tục làm việc và cống hiến hết sức mình như vậy.

Tôi vẫn thường nhận được những tin nhắn, những cuộc gọi. Người dân họ hỏi: “Tình hình dịch thế này, lịch học của học sinh sẽ bị thay đổi như thế nào?”, “Thi cử đến nơi rồi, không biết ngành giáo dục sẽ có phương án điều chỉnh ôn tập cho học sinh ra sao?”, “Hôm nay không biết có ca nhiễm mới nào không, lo quá”…vv Đấy, mọi người vẫn đang cần, đang chờ những thông tin từ tôi (cười).

Nhân dịp kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), chị có thể gửi một lời nhắn nhủ, động viên bản thân cũng như tới các đồng nghiệp cũng đang “dấn thân” tác nghiệp tại vùng dịch?

Mỗi ngày, tôi thường tự nói chuyện với bản thân mình để tự hiểu về bản thân, xem mình đã làm tốt ở đâu, chưa được chỗ nào thì phải khắc phục kịp thời. Nhân kỉ niệm 96 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, tôi xin được gửi lời chúc sức khoẻ đến các cấp lãnh đạo, các anh chị em đồng nghiệp. Điều đầu tiên là phải có sức khoẻ tốt thì mới có thể làm việc được. Chúc tất cả những Nhà báo, phóng viên hiện tác nghiệp ở vùng dịch như tôi: Hãy luôn vững vàng trong tư tưởng, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền thông tin đến nhân dân. Tôi luôn vững tin: Chỉ cần Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội và toàn thể người dân chúng ta cùng nhau đồng lòng, sẽ sớm đẩy lùi được dịch bệnh và ổn định lại cuộc sống!

Trân trọng cảm ơn chị!

HOÀNG NGA



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 06/10/2024