Chuyên gia dự báo xu hướng tiếp theo của VN-Index sau 2 phiên giảm mạnh
Áp lực chốt lời diễn ra trong phiên đầu tuần đã khiến thị trường chứng khoán đánh dấu phiên giảm sâu thứ 2 liên tiếp. Thị trường dường như đang “tìm được lý do để chỉnh” khi thông tin Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu được công bố. Dòng tiền tiếp tục được duy trì sau phiên bùng nổ với thanh khoản khớp lệnh trên HoSE ở mức 22.500 tỷ đồng.
Dẫu vậy, mức giảm trên vẫn “chưa thấm vào đâu” so với nhịp tăng “bốc đầu” hơn 200 điểm của thị trường kể từ đầu tháng 11/2023 đến nay. Nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi, vậy xu hướng tiếp theo của thị trường ra sao và VN-Index sẽ về đâu sau 2 phiên giảm mạnh?
VN-Index có khả năng tiệm cận lại vùng 1.200 điểm
Nhận định về diễn biến thị trường, ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường Chứng khoán VPBankS cho rằng, chỉ số VN-Index có thể sẽ thoái lui trước vùng cản mạnh 1.280 điểm sau 4 tháng tăng liên tiếp kể từ đáy hồi tháng 11/2023. Bên cạnh đó, tín hiệu đảo chiều và thanh khoản duy trì cho thấy khả năng “vùng phân phối” đang diễn ra một cách rõ nét.
Theo vị chuyên gia, dưới góc độ kỹ thuật, VN-Index đã xuất hiện một nến Bearish Engulfing kèm thanh khoản lớn củng cố cho tín hiệu phân phối đang diễn ra với ít nhất 3 phiên trên 1 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng. Đây là một tín hiệu cảnh báo quan trọng khi RSi đã đi sâu vào vùng quá mua trong khoảng 2 tuần gần đây và bắt đầu giảm khỏi vùng này. Đồng thời, chỉ số chính cũng đã nằm dưới đường PSAR, cho thấy cần thận trọng sau khi chuyển sang tín hiệu giảm giá từ chỉ báo này.
Mặc dù xuất hiện nhiều tín hiệu đảo chiều nhưng vị chuyên gia cho rằng, trong ngắn hạn xu hướng tăng chưa bị phá vỡ khi VN-Index vẫn nằm trên MA20 tại mức 1.232 điểm. Tuy nhiên, việc để mất mốc 1.250 điểm cũng là tín hiệu sớm cho thấy khả năng vi phạm về trend. Vùng hỗ trợ mạnh là giao thoa giữa 2 vùng Fibonacci lớn đang nằm ở vùng 1.200 điểm.
Trên kịch bản thận trọng với xác suất xảy ra khoảng 70%, vị chuyên gia VPBanks dự báo vùng hỗ trợ MA tương đương mức 1.232 điểm có thể bị phá vỡ, VN-Index sẽ rơi vào sideway down vào nhịp điều chỉnh tiệm cận lại 2 vùng hỗ trợ mạnh là 1.200 và vùng thứ 2 là 1.160-1.170 điểm.
Theo ông Trần Hoàng Sơn, chiến lược thận trọng nên được ưu tiên và duy trì trong giai đoạn này khi tín hiệu phân phối đang diễn ra rất rõ nét. Theo đó, nhà đầu tư có thể tiếp tục chốt lời với những nhóm cổ phiếu đã tăng nóng, xem xét trading một số nhóm ngành như chứng khoán, bán lẻ, hóa chất.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Khoa - Trưởng phòng Phân tích và Nghiên cứu Chứng khoán Agriseco nhìn nhận, việc thị trường đối mặt với áp lực chốt lời liên tiếp sau chuỗi tăng mạnh kể từ đầu năm là điều dễ hiểu. Đồng thời, việc xuất hiện nhiều lo ngại khi tỷ giá diễn biến phức tạp, nhà đầu tư nước ngoài và tự doanh liên tục bán ròng đã gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của nhiều nhà đầu tư.
Phiên phân phối diễn ra vào cuối tuần trước cộng thêm phiên giảm điểm ngày 11/3 vừa qua đã khiến rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh trong ngắn hạn vẫn đang hiện hữu. Dù vậy, vị chuyên gia đến từ Agriseco cho rằng ngưỡng hỗ trợ quanh 1.230 (+/- 5) điểm, tương ứng với MA20 trên khung này vẫn được kỳ vọng sẽ đóng vai trò là điểm đỡ đáng lưu ý và VN-Index có thể sẽ xuất hiện một nhịp hồi kỹ thuật tại đây. Trong trường hợp không chinh phục thành công ngưỡng cản 1.250 điểm sau đó, rủi ro chỉ số giảm điểm xuống dưới mốc 1.200 điểm cần được tính đến.
Đưa ra dự báo về xu hướng tiếp theo của thị trường, ông Nguyễn Anh Khoa cho rằng, “phân hóa” tiếp tục sẽ là diễn biến chủ đạo. Trong trung hạn, xu hướng tăng điểm vẫn đóng vai trò chủ đạo, các nhà đầu tư được khuyến nghị có thể gia tăng tỷ trọng mua cũng như ưu tiên các mã cổ phiếu đã có sẵn trong danh mục cùng với các cổ phiếu đang được giao dịch gần vùng nền giá tích lũy. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý tránh mua đuổi trong các nhịp tăng điểm hưng phấn, đồng thời ưu tiên việc quản trị rủi ro cho danh mục lên hàng đầu trong kịch bản ngưỡng hỗ trợ đã đề cập bị phá vỡ.
VNDirect gợi ý 3 chủ đề đầu tư trong tháng 3
Trong báo cáo chiến lược công bố mới đây, Chứng khoán VNDirect đánh giá nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì đà phục hồi trong tháng 2 bất chấp ảnh hưởng của dịp Tết Nguyên đán. Chỉ số quản trị mua hàng (PMI) ghi nhận 50,4 điểm, đánh dấu phiên thứ 2 liên tiếp vượt ngưỡng 50 điểm. Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,7%(IIP) tăng 5,7% so với cùng kỳ trong 2 tháng đầu năm, mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2022-2024.
Kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm đạt 59,3 tỷ USD (+19%), trong khi đó, nhập khẩu tăng lên 54,6 tỷ USD (+18%). Điều này cho thấy sự khởi đầu tích cực của lĩnh vực sản xuất trong năm nay, trái ngược hoàn toàn với sự sụt giảm của hoạt động sản xuất trong quý I năm 2023.
Mặt khác, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2 vừa qua khi nhận con số 1,5 triệu, góp phần làm tổng doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 8% trong 2 tháng đầu năm 2024.
Đáng chú ý, lạm phát tăng sau khi đi ngang trong 5 tháng trước đó. CPI tháng 2 của Việt Nam đã tăng lên 3,98% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu xét theo tháng, đây cũng là mức tăng cao nhất kể từ tháng 10/2023.
VNDirect cho biết, nhà đầu tư không còn kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 3 mà dịch chuyển kỳ vọng sang tháng 6. Chỉ số DXY tăng cao hơn trong tháng 2 do CPI của Mỹ cao hơn so với dự kiến và dữ liệu kinh tế Mỹ mạnh hơn dự báo, qua đó làm giảm khả năng Fed hạ lãi suất trước tháng 6.
Câu hỏi hóc búa mà Fed đang phải đối mặt đó là trước dữ liệu vĩ mô trái ngược nhau, liệu số liệu 1 tháng có phải yếu tố giúp xoay trục chính sách hay không? Do đó, biên bản họp FOMC tháng 1 thể hiện quan chức Fed sẽ cẩn thận xem xét các tín hiệu sắp tới, bởi dữ liệu những tháng đầu năm chưa thể hiện toàn bộ bức tranh nền kinh tế.
Nhận định về thị trường chứng khoán Việt Nam, VNDirect cho biết, P/E trượt hiện ở mwucs 14,1x, chiết khấu 5,6% so với trung bình P/E 5 năm. Công ty chứng khoán này đánh giá, mặc dù tăng nhưng vẫn đang ở mức hợp lý với kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp được cải thiện trong năm 2024. Ngoài ra, định giá của VN-Index cũng đang ở mức hợp lý so với các thị trường mới nổi khác khi so sánh về chỉ số P/E và rẻ hơn khi so sánh về chỉ số P/B.
Với việc VN-Index chính thức vượt đỉnh cũ năm 2023 xung quanh mốc 1.250 điểm, VNDirect cho rằng xu hướng tăng vẫn tương đối tích cực và chỉ số chính có thể tiệm cận với vùng kháng cự 1.300 (+/- 20 điểm) trong tháng 3/2024.
Tuy nhiên, VNDirect vẫn khuyến nghị các nhà đầu tư nên thận trọng trong bối cảnh thị trường đã đến vùng giá hợp lý và cần chờ kết quả kinh doanh cải thiện trong các quý tiếp theo để định giá thị trường thêm hấp dẫn. Bên cạnh đó, rủi ro tỷ giá cũng vẫn cần được theo dõi cẩn thận khi tỷ giá USD/VND liên ngân hàng đã tăng 1,6% kể từ đầu năm và đang tiến gần đến mức cao nhất mọi thời đại là 24.867.
"Đã đến lúc nhà đầu tư cần thận trọng trong khi việc thực hiện các giao dịch mua mới hoặc sử dụng đòn bẩy cao", VNDirect cho hay.
Bên cạnh đó, VNDirect cũng đưa ra gợi ý 3 chủ đề đầu tư trong tháng 3/2024 gồm các lĩnh vực như thép, chứng khoán và mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.
Về dài hạn trong cả năm 2024, công ty chứng khoán này chủ yếu nghiêng về kịch bản cơ sở cho thị trường chứng khoán có thể hướng tới mục tiêu 1.350 điểm vào cuối năm nay. Tuy nhiên, trong kịch bản nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh hơn so với dự kiến cũng như kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết có phần khả quan hơn thì chỉ số VN-Index có thể tiến về vùng 1.400 điểm./.
- Triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trước khi nâng hạng
- FPT lập kỷ lục mới về vốn hóa, tiến gần top 10 doanh nghiệp niêm yết giá trị nhất sàn chứng khoán Việt Nam
- Chứng khoán sát đỉnh, lãi vay hạ nhiệt có phải thời điểm thích hợp để "xuống tiền"?