ISSN-2815-5823
Thứ tư, 11h03 26/05/2021

Đại dịch Covid-19 đã thay đổi ngành khoa học như thế nào?

(KDPT) – Tính từ những thập kỷ gần đây, đại dịch Covid-19 là một mối đe doạ toàn cầu lớn nhất. Nó không chỉ “thu hút” sự tập trung của cả cộng đồng nói chung, mà còn khiến các nhà khoa học trên toàn thế giới nói riêng sẵn sàng “xắn tay” vào nghiên cứu để chia sẻ những ý tưởng, dữ liệu mới nhất một cách minh bạch và nhanh chóng.

Trong số tất cả các lĩnh vực đã phát triển trong thời kỳ Covid-19, có lẽ khoa học là lĩnh vực bị biến đổi nhiều nhất. Đại dịch đã tạo ra một môi trường nghiên cứu hoàn toàn mới, một môi trường đề cao sự hợp tác và giao tiếp hơn tất cả. (Ảnh: Internet).

Chia sẻ kết quả nghiên cứu nhanh chóng

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các nhà khoa học đã hành động với tốc độ chưa từng có để cung cấp một “kho vũ khí” y tế nhằm đối đầu với mối đe dọa toàn cầu này.

Họ phải chịu những áp lực và khó khăn khi ở trong phòng thí nghiệm mỗi ngày. Điều này không chỉ nằm ở tốc độ và sự tập trung, cũng không chỉ đơn giản là ở việc sử dụng các công nghệ mới để tạo ra những sản phẩm mới, mà còn nằm ở sự sẵn sàng đáng kinh ngạc của các nhà khoa học trên toàn thế giới, với mục đích chia sẻ những ý tưởng và dữ liệu mới một cách minh bạch và nhanh chóng, thậm chí trước khi ý tưởng hoặc nghiên cứu được hình thành hoàn chỉnh.

Vài tuần đầu tiên sau khi trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên được báo cáo, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã xác định được loại virus mà họ nghi ngờ gây ra dịch bệnh, và bước đầu đã giải mã một chuỗi bộ gen ban đầu. Đó là một thành tựu đáng chú ý trong một khoảng thời gian ngắn như vậy, đáng chú ý hơn bởi thực tế là các nhà nghiên cứu đã công bố trình tự trong một diễn đàn thảo luận mở trực tuyến và khuyến khích một nhà nghiên cứu khác ở Sydney, Úc cũng tham gia qua việc chia sẻ nó với thế giới trên Twitter.

Trong 24 giờ đầu tiên sau khi công bố, một nhà sinh vật học tiến hóa ở Scotland đã tìm ra những điểm tương đồng giữa virus này và SARS-CoV-1. Giống như các nhà nghiên cứu Trung Quốc, ông đã chia sẻ những phát hiện này ngay lập tức trên mạng.

Rõ ràng, tại mỗi thời điểm, mục tiêu của các nhà khoa học không phải là được hoan nghênh hay gây sự chú ý, mà là khả năng chia sẻ và công khai sớm để có thể đưa thế giới đến gần hơn với một phương pháp điều trị hoặc một phương pháp chữa bệnh.

Những hệ thống nghiên cứu vượt qua khoảng cách địa lý

Trong số tất cả các lĩnh vực đã phát triển trong thời kỳ Covid-19, có lẽ khoa học là lĩnh vực bị biến đổi nhiều nhất. Đại dịch đã tạo ra một môi trường nghiên cứu hoàn toàn mới, một môi trường đề cao sự hợp tác và giao tiếp hơn tất cả.

Ngay sau khi virus xuất hiện, Trường Y Harvard đã kéo 20 trường đại học, trường y và viện nghiên cứu trong khu vực Boston lại với nhau để thành lập Hiệp hội Massachusetts đối phó Tác nhân gây bệnh (MassCPR). Mục tiêu ban đầu là chính thức hợp lực với các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc để trả lời lời kêu gọi nhằm loại bỏ mối đe dọa về đại dịch, với hy vọng rằng bất kỳ bài học nào rút ra từ đợt bùng phát này sẽ cho phép mọi người có phản ứng nhanh hơn đối với các trường hợp khẩn cấp khác trong tương lai. Chỉ riêng điều này đã là một bước đáng chú ý.

Những tiến bộ nhanh chóng về vắc-xin, phương pháp điều trị và sự hiểu biết của chúng ta về Covid-19 này phần lớn nhờ vào việc công bố dữ liệu mới ngay lập tức và minh bạch. (Ảnh: Internet).

Cộng đồng khoa học ở Boston thường hoạt động theo kiểu tương đối biệt lập, với các rào cản được xây dựng giữa các phòng ban, bộ môn và toàn bộ tổ chức. Nhưng với Covid-19 và MassCPR, những điểm kết nối giữa các viện cấp trên và cấp dưới đã nhanh chóng được mở ra.

Với khoản tài trợ hợp tác nghiên cứu từ Evergrande Group, MassCPR bắt đầu tài trợ cho hàng chục dự án nghiên cứu mới, một số dự án đã dẫn đến các nghiên cứu xác định thực địa về dịch tễ học, bệnh sinh và bệnh học miễn dịch của Covid-19.

Trong năm 2020, các bác sĩ lâm sàng của MassCPR đã viết các hướng dẫn quản lý lâm sàng có ảnh hưởng đến việc chăm sóc bệnh nhân trên toàn cầu, và các nhà điều tra của tập đoàn đã lên ý tưởng, thiết kế và phát triển vắc-xin Johnson & Johnson một liều và đi đầu trong các thử nghiệm lâm sàng cho loại Moderna.

Hiệu trưởng của Trường Y Harvard, George Daley, dẫn đầu nghiên cứu, đã mô tả: “Những nỗ lực tập thể của chúng tôi trong năm qua đã cho chúng tôi bằng chứng rõ ràng rằng chúng tôi mạnh nhất khi chúng tôi làm việc cùng nhau trên các ranh giới thể chế, khi chúng tôi vươn ra ngoài biên giới về địa lý và quốc gia. Chúng tôi cũng mạnh nhất khi có thể xây dựng cầu nối giữa các lĩnh vực và hợp tác để đối đầu với một mối đe dọa chung, và những thành tựu đã nói lên điều đó”.

Những nỗ lực ngay lập tức của MassCPR tập trung vào sinh học cơ bản của SARS-CoV-2 và cơ chế bệnh sinh của Covid-19, nhằm phát triển các công cụ chẩn đoán, vắc-xin và liệu pháp mới.

Nhưng trong khi các nhà nghiên cứu tập trung hoàn toàn vào hiện tại, họ cũng cần hướng tới ngày mai. Daley cảnh báo: “Chúng ta phải cải thiện năng lực của mình để theo dõi sự gia tăng của các biến thể virus mới. Chúng ta phải cải tiến các chiến lược phòng ngừa của mình bằng một kho vũ khí điều trị và bằng cách phát triển các loại thuốc kháng virus mới, liệu pháp toàn virus và vắc-xin phân cực. Và chúng ta phải lường trước những thực tế sau đại dịch Covid-19. Mục tiêu chính của MassCPR 2.0 sẽ là xác định phạm vi của hội chứng sau Covid-19 và hiểu được những ảnh hưởng lâu dài của nhiều hệ thống”.

Ngoài MassCPR, các mối quan hệ đối tác toàn cầu quan trọng khác đã xuất hiện trong suốt năm qua để mang những tiến bộ khoa học gần đây về virus đến với đại chúng, không kém phần quan trọng trong số đó có thể kể đến là Bộ tăng tốc Truy cập vào Công cụ Covid-19 (ACT) và hệ thống Tiếp cận toàn cầu vắc xin Covid-19 (COVAX).

ACT Accelerator là một khuôn khổ hợp tác do WHO, Ủy ban Châu Âu, Pháp và Quỹ Bill & Melinda Gates đưa ra vào tháng 4/2020, tập trung vào việc đẩy nhanh quá trình phát triển và sản xuất các thử nghiệm, phương pháp điều trị và vắc xin Covid-19 (thông qua COVAX) và có lẽ quan trọng nhất là đảm bảo rằng tất cả mọi người và tất cả các quốc gia đều có thể tiếp cận và mua được những “điều kỳ diệu” này của khoa học.

Trong khi các quốc gia giàu có hơn đã có thể triển khai vắc xin miễn phí cho người dân, các quốc gia có thu nhập thấp hơn vẫn đang vật lộn để xác định cách thức mua và thanh toán vắc xin, ít hơn nhiều là phân phối chúng một cách công bằng trên khắp đất nước của họ. Các ước tính sơ bộ cho thấy rằng sẽ tốn khoảng 30 tỷ đô la để tiêm chủng hàng loạt cho thế giới – một mức giá mà các nước giàu có thể không lựa chọn gánh vác.

Các nhà khoa học không chỉ làm việc cùng nhau để phát triển các phương pháp điều trị Covid-19 và vắc-xin, mà họ còn là một trong những tiếng nói lớn nhất kêu gọi các quốc gia giàu có hợp tác và triển khai sự giàu có của họ trên tất cả các quốc gia để chấm dứt dịch bệnh.

Sự chung tay của truyền thông

Việc xuất bản trên một tạp chí có uy tín là một vinh dự có tính cạnh tranh và được đánh giá cao, ngay cả những nhà khoa học thành công nhất cũng coi như vậy.

Trong khi trước đây, các nhà nghiên cứu sẵn sàng đợi hàng tháng và đôi khi hơn một năm để tiếp nhận những thành tựu đó, thì giờ những quy tắc đó đã được gạt sang một bên. Các nhà nghiên cứu hiện chủ động chia sẻ các phiên bản đầu tiên trong nghiên cứu của họ ngay sau khi đã được xác định kết quả, không chỉ để được công nhận mà với hy vọng rằng khám phá của họ sẽ giúp các nhà khoa học khác phát triển hơn nữa.

Từ khi bắt đầu đại dịch vào tháng 12/2019 đến tháng 11/2020, khoảng 75.000 bài báo khoa học đã được xuất bản liên quan đến Covid-19, với 1/3 được xuất bản dưới dạng bản in trước, được phát hành cho các nhà khoa học khác và công chúng nói chung, trước khi được chấp nhận để xuất bản thành tạp chí.

Khi các nhà khoa học chọn từ bỏ một số công nhận về học thuật đi kèm với việc chờ đợi xuất bản truyền thống, bản thân các tạp chí cũng đã thay đổi cách tiếp cận của họ, qua cách xem xét lại quy trình để xuất bản các bài báo liên quan đến Covid-19 nhanh hơn nhiều so với bình thường. Tuy nhiên, điều này không phải là không có hậu quả. Đầu năm 2020, hai nghiên cứu nổi tiếng về Covid-19 đã được rút lại do lo ngại về tính xác thực của dữ liệu. Một số tạp chí đã thừa nhận rằng họ có thể cần phải làm chậm lại quy trình để đảm bảo chất lượng của công việc. Tuy nhiên, kiến ​​thức thu được lại được cho là vượt trội so với rủi ro, do những tiến bộ nhanh chóng về vắc-xin, phương pháp điều trị và sự hiểu biết của chúng ta về căn bệnh này phần lớn nhờ vào việc công bố dữ liệu mới ngay lập tức và minh bạch.

Vẫn còn đâu đó câu hỏi liệu ý thức về sự hợp tác minh bạch và hướng tới mục đích chung này chỉ là một biện pháp tạm thời hay là sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong việc hợp tác khoa học và quan hệ đối tác toàn cầu.

Chưa có hy vọng nào về việc đây thực sự là sự khởi đầu của một cột mốc mới trong thành tựu của con người, bởi khoa học là một quá trình được xây dựng qua hàng nghìn năm tiến bộ. Hãy tưởng tượng sự gia tăng theo cấp số nhân nếu các nỗ lực hợp tác của các nhà khoa học vẫn tiếp tục, chúng ta sẽ có một cộng đồng toàn cầu đoàn kết chống lại các vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường cấp bách nhất trong thời đại này.

Với tất cả những thảm kịch trong năm qua và những mất mát mà chúng ta đã phải gánh chịu, cuộc cách mạng trong cộng đồng khoa học có thể sẽ là một trong những điều tuyệt vời nhất.

MINH HẠ



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 06/10/2024