ISSN-2815-5823

Đau đáu “nghề xưa”

(KDPT) – LTS: Đời làm báo, ai cũng có hành trang kỷ niệm. Nước mắt, nụ cười đong đầy theo năm tháng. Vinh quang, tự hào nghề báo không phải là những giải thưởng, mà là ngọn lửa đam mê, dấn thân nhiệt huyết luôn bùng cháy. Tháng 6 này, Kinh doanh và Phát triển trân trọng giới thiệu tự truyện của nhà báo NGUYỄN THIỆU ANH – một trong những cây bút phóng sự đương thời. Qua đó, mỗi người, nhất là những phóng viên trẻ, sẽ tìm thấy đa diện góc nhìn về nghề báo, về triết lý hơi thở cuộc sống trong mỗi chuyến đi.

Nhà báo Thiệu Anh (bên trái) trong một lần tác nghiệp theo chân Liên đoàn địa chất Đông Bắc tại Bắc Mê, Hà Giang.

1

Bốp – Gã tát tôi và giãy lên đành đạch. Gã ức lắm, gã không được “đáp ứng”. Cả tháng ròng, gã chăn tôi trong vũ trường Apocalypse Now, tưởng đã dính mồi, nay để tuột trước mắt, cằm gã bạnh lên vì tức giận. Tôi quệt vệt máu rỉ ra khóe miệng, đầu tóc rối bù, áo quần xộc xệch, co chân đạp tay đồng nghiệp bắn vào một góc. Ấy thế mà, thằng bạn tôi vẫn ngồi yên vị, đồng tử mở trừng trừng. Nó quên hẳn kịch bản đánh ghen để tháo thân đã bàn trước đó.

Tôi ăn một bạt tai trời giáng ở ngay phóng sự điều tra đầu tiên. Thuở đó, mới vào nghề báo, thấm thoắt cũng ngót 20 năm!

Chuyện tôi nhập vai “cặp kè” với ông trùm giới bê-đê Hà thành, nhiều ngày vào tận hang ổ mục kích cảnh thác loạn, phanh phui đường dây buôn bán thuốc lắc, băng đĩa lậu, còn suýt bị “cưỡng hiếp”, sau này, cứ dịp phiếm chuyện, cà kê bia hơi, thằng bạn tôi lại lôi ra kể, cười hô hố. Thời hàn vi ấy, vừa ra trường, giờ bạn tôi đã là Trưởng ban Bạn đọc – Pháp luật Báo Gia đình xã hội rồi.

…Tháng 6 về, giữa mùa Covid chang chang nắng, chẳng gặp được nhau, thi thoảng có vài đứa bạn tỉ tê điện thoại, bảo, nhớ quay nhớ quắt cái “thời phóng sự”. Chúng ta vẫn làm báo mà, sao phải nhớ, nhớ thì viết, cánh phóng viên trẻ nghe vậy chắc khó hiểu. Phải “lớn lên” với nghề từ dạo “báo giấy”, mới tường hết ý nghĩa nỗi nhớ này. Phải đau đáu ngồi quán trà đá, say sưa ngấu nghiến từng con chữ sản phẩm của mình, mới thỏa niềm hồi hộp mong mỏi cả đêm chờ sáng mai báo ra. Phấp phỏng, lo âu, sợ bài bị cắt một câu, sửa một chữ, hoặc người đánh máy gõ sai một từ. Phóng sự xưa lạ lắm. Lạ đến mức, độc giả chỉ cần đọc không cần nhìn tên đã biết người viết là ai. Phóng sự là cá tính của nhà báo. Nếu cây bút nào chưa khẳng định được cá tính, coi như thất bại với nghề.

Tôi vẫn gọi “thời phóng sự” là quãng đời “tôi đi bán tôi”. Năm thứ 2 trên giảng đường đại học, tôi đã vào nghề, được làm cộng tác viên đặc biệt của các báo Đại Đoàn Kết, Công an Nhân dân và Hà Nội mới. Để có tiền đi thực tế vùng miền lấy tư liệu viết bài, nhóm bạn tôi ba, bốn đứa, hàng tháng rủ nhau vào Khoa Huyết học (Bệnh viện Bạch Mai) để bán máu, mỗi đứa được 280 nghìn đồng. Cũng nhờ đó, tôi có phóng sự “Nghề bán máu”. Ngày ấy, cứ xách ba lô đi và viết, viết trong tâm thế hồn nhiên. Tôi không thể nhớ đã bao lần ngủ gục dọc quốc lộ 1A vì hết tiền thuê phòng trọ, thằng bạn bó gối thu lu trên vỉa hè, còn tôi nằm gọn lên yên chiếc dream tàu, muỗi vãi như quãi trấu, bụi cuốn mù trời mỗi lần gầm gào những chuyến xe qua.

2

Đận chục năm đầu thập niên 2000, tôi được tòa soạn giao phụ trách mảng phóng sự điều tra. Giờ, cũng chẳng thể thống kê mình đã viết bao nhiêu phóng sự, chỉ cơ hồ mường tượng, trong căn nhà cấp bốn xóm nhỏ tôi ở, một phần ba diện tích là nhưng nhức những chồng đơn kiện cáo người dân gửi về.

“Ở vương quốc Triệu Sơn” với 22 kỳ điều tra – loạt bài dài nhất tôi từng độc lập tác nghiệp tại xứ Thanh. Cái thằng tôi hồi đấy mặt non choẹt, tóc dài, râu rậm, mắt sâu hoắm, khoác lỉnh kỉnh đồ nghề, cưỡi con ngựa sắt cà tàng, mang theo đúng hai bộ quần áo để ở cả tháng trời cùng bà con. Người dân ái ngại, ánh mắt e dè, những cái lắc đầu ngấm ngầm tự hỏi, “liệu hắn có làm nên cơm cháo gì không”, “bốn đời chủ tịch của bảy xã bán hàng trăm nghìn mét đất công, biển thủ ngân quỹ, lại có ô che chắn từ trên”… Vụ việc to như cái đình, chứ đâu phải chuyện cọng rơm, con kiến…

Bận đó, tôi lên chính quyền làm việc hai lần, ngày đầu tháng và cuối tháng, hơn 20 ngày tôi ở với dân, trung bình ba ngày thực tế một xã, sáng chiều thu thập tài liệu, tối về bóc băng ghi âm, thống kê cân đối số liệu khớp vào từng năm, hôm sau ra “quán nét” thuê máy tính viết bài gửi tòa soạn. Minh Châu – xã đầu tiên với nạn nhiều năm “trả lương cho cán bộ bằng… đất”, đã lên kỳ I bài đinh trang nhất Báo Tài nguyên và Môi trường. Cả miền quê rúng động trở nên nóng bỏng. Hàng nghìn hộ dân mà chỉ có hơn trăm tờ báo bà con đặt mua, họ truyền tay nhau đọc, có người đi photo về bán 500 đồng một bản.

Triệu Sơn cứ từng phen xốn xang, khi mỗi kỳ báo ra lò. Tôi sống trong không khí rừng rực đó mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút. Bà con rần rần hỏi, kỳ sau viết gì? Người xã khác thì thấp thỏm đứng ngồi, nghe ngóng, sao lâu đến lượt dân bên này thế? Chả là, họ không dám nghĩ, bao năm kiện cáo đâu có cơ quan nào “thu lý”, thậm chí đem đơn ra khỏi làng cũng phải len lén, nay báo chí lên tiếng rồi, phấn khởi lắm, hy vọng lắm.

Tôi viết xong hai kỳ thì toàn hệ thống điện lực Triệu Sơn bị cắt. Sự cố đột ngột và khó hiểu kéo dài đến khi tôi về Hà Nội. Sau bữa đó, đi đâu tôi cũng bị bám đuôi. Người dân bố trí cho tôi nghỉ mỗi ngày một nhà khác nhau. Đêm chong đèn măng-xông tôi hì hụi viết, sáng bà con đưa lên bưu điện tỉnh để fax bài về tòa soạn, nhờ bộ phận thư ký đánh máy. Rồi một sáng nọ, cô bé con chủ “quán nét” sang gặp tôi, nhấm nháy, anh qua nhà em đi, có điện. Tới mới hay, mẹ con cô đã mua hẳn máy phát, chỉ để phục vụ tôi viết bài. “Cháu cứ yên tâm làm việc, quán đóng cửa, “họ” không biết đâu” – Bà chủ lấy cho tôi cốc nước, âm giọng trầm nặng ấm áp vị đồng quê. Chiều ấy, lòng tôi rưng rưng mãi tận bây giờ…

“Thọ Thế chính truyện” – Kỳ 12 đăng tải, cũng là lúc cơ quan công an đến tòa soạn phối hợp trao đổi tài liệu để lập chuyên án. Hơn hai tháng sau, kỳ cuối thứ 22 đóng lại phóng sự điều tra phiêu lưu ấy, hàng loạt cán bộ từ huyện xuống các xã bị bắt giam, khởi tố, con em Triệu Sơn có trường đi học, người dân có chợ giao thương, ruộng đồng mở thêm bờ cõi… Làng quê đồng bằng Bắc Bộ vùng chiêm trũng khốn khó chấm dứt bao đời khiếu kiện, nhà nhà chuyên cần chăm chỉ làm ăn, đời sống nông thôn như rẽ sang trang mới.

“Ở đâu nóng bỏng là anh tới…” – Bài thơ dài lắm, bà con Triệu Sơn làm tặng tôi, hễ gặp lại nhau là xướng như điệu đồng dao, thuở ấy “vô tư” chả ngẫm ngợi, giờ tôi chỉ nhớ láng máng có câu đó, mà cũng đủ nao nao, đủ hạnh phúc đong đầy.

3

Tôi bị “trục xuất” ngay trên lãnh thổ Việt Nam. Kỷ niệm đó xảy ra khoảng năm 2007, trong quá trình thực hiện phóng sự dài kỳ “Một phần tư thế kỷ nông dân không có đất canh tác”, tại xã đảo Thông Bình (huyện Tân Hồng, Đồng Tháp), giáp Căm-pu-chia.

Đường vào đảo đi bằng ghe, bốn bề mênh mông nước. Vừa đặt chân lên chiếc cầu khỉ con con, chưa kịp vào trụ sở chính quyền, đã có cán bộ chặn ngay đầu xóm và “mời” chúng tôi lên làm việc. Một phòng trống hoác, thông thống gió lùa, khung cửa sổ cánh còn cánh xệ, chính giữa kê cái bàn cáu váng nước chè, hai bên đặt chiếc ghế dài nâu bóng. Chúng tôi được dẫn vào đó, ngồi chờ lãnh đạo xã. Trời xẩm tối, rồi mịt mùng đêm. Không có cuộc làm việc, cũng chẳng thấy tăm hơi vị lãnh đạo nào. Tôi và một đồng nghiệp nằm trên hai chiếc ghế, năm canh vời vợi, chập chờn. Hửng sáng hôm sau, có anh dân phòng sầm sập đến, kết tội, chúng tôi “vi phạm khu vực biên giới không trình báo”.

Và hành trình “trục xuất” ra khỏi đảo, trên xuồng, ngồi kè kè bên chúng tôi là hai chiến sỹ bồng súng oai vệ. Tới đất liền, tay đồng nghiệp đi cùng, nhốp ngay câu, “Chiều tớ có hẹn với đối tác làm truyền thông, phải lên Sài Gòn”. Tôi phân vân, trước khi Nam tiến, Ban Biên tập đã giao rồi, ba vụ lận, một ở Thông Bình, hai Cờ Đỏ (Cà Mau), ba là Dự án H20 (Bà Rịa – Vũng Tàu), bằng mọi giá phải làm giúp bà con, bao giờ xong hãy về.

Tôi quyết định thuê nhà trọ, ở lại. Tối đó, tôi rà soát kỹ lần nữa hồ sơ vụ việc, tổng cộng 117 hộ dân lâu năm không nhà, không đất cấy hái, sống bằng nghề đánh lưới trên sông. Có người đi kiện bị bắt giam và tử vong trong tù chưa rõ nguyên nhân.

May mắn, với lá đơn gần trăm chữ ký người dân, tôi phát hiện phía dưới một chữ ký có dòng viết nguệch ngoạc, ghi: “Mẹ bí thư Tân Hồng”. Tại sao mẹ của lãnh đạo cao nhất huyện lại đi kiện? Câu hỏi đó cứ xoáy vào tâm trí. Dù thế nào thì đây cũng là “bảo kiếm” để mình tiếp cận chính quyền.

23 giờ ngay đêm đó, tôi gọi điện cho bà con hơn hai tiếng đồng hồ, xoay quanh ba vấn đề, nguồn gốc đất người dân khai hoang bị thu hồi không đền bù, cái chết tức tưởi của thanh niên ngoài 30 tuổi, và nguyên nhân mẹ bí thư huyện ký đơn. 5 giờ sáng hôm sau, vài người dân đã xuất hiện trước phòng trọ, cung cấp cho tôi những bằng chứng quan trọng. Còn nhớ, khoảng 30 tấm ảnh chụp cảnh tử thi bầm tím, hốc mắt đọng máu, thân thể đầy thương tích, vết xích chằng hằn lõm hai mắt cá chân… mà mẹ người thanh niên nghẹn ngào đưa cứ ám ảnh tôi.

…Mười mấy cuộc điện thoại, Bí thư Tân Hồng không bắt máy. Tôi nhắn tin, giới thiệu mình và chốt một câu: “Tòa soạn nhận được đơn kiện của mẹ anh, nên vừa là góc độ cá nhân, vừa phục vụ công việc, tôi muốn trao đổi để thông tin đăng báo được chính xác”. Nửa tiếng sau, tin nhắn lại: “Trưa anh đến Huyện ủy, đi cửa sau, tôi ra đón”.

Lần đầu và duy nhất từ khi vào nghề, đến làm việc với Bí thư Huyện ủy mà tôi có cảm giác “bí mật”, luôn phải “ngó trước nhìn sau” như vậy. Cả vị Bí thư cũng thế, trưa nắng nổ lửa, tôi vừa xuất hiện, ông như chờ sẵn từ lâu, kéo ngay về phòng, thì thào, “có công an theo dõi đó”. Tôi trợn mắt, ông vỗ vai, bảo, “theo dõi tôi, không phải cậu”. Dáng người thấp đậm, da ngăm ngăm, nhấp ngụm trà, ông đằng hắng, dân ở đây khổ lắm, không nghề nghiệp, không có phương tiện sản xuất. Trước bà con mở ấp, sau tỉnh thu hồi hết, mấy anh em trong nhà tôi cũng bị, mẹ tôi có mảnh khai hoang thuộc diện đó, nên bà cụ kiện vậy. Trong cán bộ huyện nhiều người “thực thi chỉ đạo từ trên”, vài người dám phản bác. Tôi thì sắp bị thuyên chuyển, rồi nghỉ. Dạo cưỡng chế bắt giam dân, tôi không đồng tình, nhưng công an tỉnh về vẫn làm.

Bí thư – danh đó chỉ còn là cái mác. Tôi hiểu ông bị cô lập, về sau dính “kỷ luật” nghỉ hẳn. Nhưng ông đã cung cấp cho tôi toàn cảnh vấn đề, giúp tôi tháo gỡ mớ bòng bong ở xã đảo Thông Bình.

“Kỳ án ở nhà thương Tân Hưng” – Bài cuối trong loạt điều tra về cư dân vùng đảo, đã làm rõ cái chết trong tù của người thanh niên, chứ không phải chết tại nhà thương như kết luận bên công an. Hơn 70 hộ được xét cấp đất và tái định cư. Dẫu đa số nguyện vọng dân nghèo còn dang dở, nhưng đợt thực tế này dạy cho tôi bài học lớn, trong bất cứ bế tắc nào cũng có đường đi, nếu ta không bỏ cuộc.

Hơn ba nghìn số báo các kỳ dải kín hòn đảo nhỏ. Giọng người mẹ mất con run run trong điện thoại, cảm ơn cháu đã minh oan cho gia đình và giúp mọi người, nhưng cô không thu được từng nhà trả tiền báo cơ quan, dân khổ quá. Tôi bảo, cháu trả tiền cơ quan rồi, cô đừng lo. Tiếng khóc người mẹ ngằn ngặt, nhỏ dần…

*
* *

Nghề báo mỗi thời mỗi khác. Nhưng kỷ niệm ai cũng “ăm ắp”. Có người sâu sắc, có người khơi khơi. Dù ở góc nhìn nào, đều đáng trân quý. Nhân dịp hội ngành, kể vài tự truyện, mong mỗi người với mỗi cách đọc, cách chiêm nghiệm, tìm thấy ý nghĩa và triết lý riêng mình. Hoặc tựa một nhàn đàm phiêm phiếm lúc trà dư, âu cũng vui rồi!

THIỆU ANH



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 06/10/2024