ISSN-2815-5823
AN NHIÊN
Thứ sáu, 15h11 08/09/2023

Diễn biến thị trường bất động sản Gia Lâm trước thềm lên quận

(KDPT) - Cuối tháng 9 này, TP Hà Nội sẽ xem xét thông qua Đề án thành lập quận Gia Lâm. Vậy trước thềm lên quận, thị trường bất động sản khu vực này đang diễn biến thế nào?

Sắp thành lập quận Gia Lâm

Mới đây, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã có Thông báo số 33/TB-HĐND về nội dung, thời gian và công tác chuẩn bị tổ chức kỳ họp chuyên đề (kỳ họp thứ 13) HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026. Kỳ họp dự kiến tổ chức trong 1 ngày (22/9/2023), xem xét, thông qua 7 nội dung.

Trong đó, sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 17/2013/NQ-HĐND ngày 23/7/2013 của HĐND thành phố về một số biện pháp cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp; cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn thành phố (với nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 10 về công tác quản lý biệt thự cũ). Phê duyệt chủ trương, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công. Điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2023 cấp thành phố (bao gồm nội dung bố trí kinh phí xây dựng công trình hỗ trợ một số tỉnh, thành phố).

Kỳ họp cũng thông qua chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đối với Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường 35 đoạn giữa tuyến (từ Km 4+469,12 đến Km 12+733,35) huyện Sóc Sơn; Dự án kho 190/Cục Xăng dầu, hạng mục Vành đai an toàn PCCC kho xăng dầu K95/K190/CXD tại xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Đồng thời, xem xét, quyết nghị về việc điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất năm 2023 trên địa bàn thành phố; xem xét, quyết nghị về việc điều chỉnh, bổ sung các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ năm 2023;

Đáng chú ý, kỳ họp còn xem xét thông qua Đề án thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận Gia Lâm, thành phố Hà Nội.

Trước đó, UBND huyện Gia Lâm (Hà Nội) cũng đã ban hành Kế hoạch số 178/KH-UBND về việc tổ chức lấy ý kiến cử tri và trình kỳ họp HĐND các cấp về nội dung Đề án thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận Gia Lâm.

Theo kế hoạch, Gia Lâm sẽ tổ chức lấy ý kiến cử tri trên phạm vi các xã, thị trấn về nội dung đề án. Cụ thể: Thành lập quận Gia Lâm trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện Gia Lâm hiện có.

Thành lập 16 phường, trong đó 10 phường trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 10 xã, thị trấn; 6 phường trên cơ sở hợp nhất nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 12 xã, thị trấn hiện có.

Thị trường bất động sản Gia Lâm đang diễn biến thế nào?

Gia Lâm nằm ở phía Đông Hà Nội – nơi có hạ tầng phát triển nhanh chóng với 12 cây cầu bắc qua sông Hồng (6 cây cầu hiện hữu, 6 cây cầu dự kiến xây mới), 2 tuyến Metro trong tương lại. Khu vực này còn có khả năng kết nối rộng mở bởi mạng lưới đường liên tỉnh nối Hà Nội - Hưng Yên, vành đai 3,5, vành đai 4. Vành đai 4 dài hơn 112km kết nối Gia Lâm Hà Nội với các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh đã chính thức được khởi công vào cuối tháng 6/2023.

Bên cạnh quy hoạch bài bản, quỹ đất dồi dào, trước thông tin huyện Gia Lâm sẽ lên quận trong năm nay, thị trường bất động sản khu vực này lại càng được giới đầu tư quan tâm.

Có thể nói, Gia Lâm hiện nay còn tiềm năng phát triển nhiều hơn cả quận Long Biên vì đây là nơi tọa lạc của nhiều đô thị lớn, trong đó nổi bật là Vinhomes Ocean Park.

Theo đánh giá của ông Trần Minh Tiến – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thị trường và Am hiểu khách hàng, One Mount Real Estate, một lợi thế rõ ràng của Gia Lâm đó là sự triển khai dự án mạnh mẽ của các chủ đầu tư lớn, với tốc độ thi công nhanh, hệ sinh thái tiện ích tốt, phục vụ dòng dân chuyển dịch về đây. Đặc biệt ở Gia Lâm còn có lợi thế “xuất phát sau” nên học tập kinh nghiệm của quận/huyện đã phát triển trước, quy hoạch đường xá và hạ tầng bài bản hơn.

“Quy luật thị trường cho thấy, hạ tầng mở rộng đến đâu, giá bất động sản lên theo đến đấy. Đầu tiên, giá sẽ tăng mạnh khi có “thông tin lên quận”, chủ yếu diễn ra ở phân khúc đất nền Gia Lâm. Sau đó giá sẽ tăng đều trở lại khi quận/huyện đó hình thành khu dân cư, phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ”, ông Tiến nhấn mạnh.

Ông Trần Minh Tiến – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thị trường và Am hiểu khách hàng, One Mount Real Estate.
Ông Trần Minh Tiến – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thị trường và Am hiểu khách hàng, One Mount Real Estate.

Ngoài ra, với câu chuyện huyện lên quận, việc tăng giá là điều đương nhiên nhưng quan trọng là chu kỳ tăng giá sẽ như thế nào, và việc tăng giá cũng tùy thuộc vào khu vực, phân khúc sản phẩm bất động sản đó có đáp ứng được nhu cầu của khách hàng hay không.

Gợi ý về những loại hình đáng chú ý khi Gia Lâm lên quận, ông Tiến cho rằng, các loại hình bất động sản ở Gia Lâm đa dạng lựa chọn cho nhà đầu tư. Tuy nhiên ở giai đoạn này, đất nền trầm lắng và ít thanh khoản. Với nhà thổ cư, mặt bằng giá tại Gia Lâm hiện đang ở mức cao (khoảng 90 triệu/m2 với nhà thổ cư trong ngõ). Trong khi đó, loại hình biệt thự, liền kề thì không dành cho số đông các nhà đầu tư, nguồn cung sơ cấp cũng không còn nhiều tại Gia Lâm.

Còn với chung cư, nhu cầu mua để ở vẫn duy trì ở mức cao kể cả khi thị trường nhiều biến động. Chung cư có lợi thế hơn nhà đất khi dịch vụ và tiện ích sống được nhà đầu tư chú trọng.

Có thể nói, với việc phát triển hạ tầng như hiện tại, kết nối của Gia Lâm với các tỉnh phía Bắc như Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương,Hải Phòng,… sẽ giúp việc đi lại kết nối dễ dàng hơn bao giờ hết. Bất động sản căn hộ ở khu Đông tập trung ở nhóm khách hàng từ 25 – 45 tuổi, tâm lý cởi mở, họ sẵn sàng lựa chọn sống tại các đại đô thị để vừa có không gian xanh, vừa sẵn hệ sinh thái tiện ích đáp ứng nhu cầu sống hiện đại và chất lượng. Cũng chính phân khúc khách hàng này sẽ cơ cấu lại các sản phẩm bất động sản phục vụ cho nhu cầu ở thực trong thời gian tới, và các chủ đầu tư cũng tập trung nghiên cứu hành vi và phát triển dự án phù hợp với xu hướng cho đối tượng này.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine