Lãnh đạo OCB: Lợi nhuận 2022 không đạt kế hoạch liên quan trái phiếu, đã thu hồi xong nợ FLC và Đại Nam
OCB đặt mục tiêu lãi 6.000 tỷ năm 2023

Sáng nay 28/4, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023. Với việc không hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh, ban lãnh đạo ngân hàng nhận được nhiều chất vấn từ cổ đông.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB thừa nhận kết quả kinh doanh 2022 không đạt được mục tiêu. Trong quá trình cải tổ phát triển OCB từ giai đoạn rất khó khăn 2012 tới nay, năm 2022 là năm duy nhất OCB không đạt kế hoạch lợi nhuận.

Lãnh đạo ngân hàng nêu, đầu năm 2022, ngân hàng đặt kế hoạch trong bối cảnh các nhận định lạc quan. Khi đó dịch COVID gần như kết thúc, nền kinh tế bị nén lò xo bởi COVID. Các tín hiệu tích cực nền kinh tế, Chính phủ và nhiều cơ quan dự báo thuận lợi cho 2022.

Dù năm qua không đạt được kết quả lợi nhuận đề ra nhưng kết quả các hoạt động cốt lõi ngân hàng tăng trưởng 21%. Thu nhập từ mảng dịch vụ cũng tăng hơn 29% mang về hơn 1.000 tỷ đồng trong đó lãi thuần từ mảng kinh doanh ngoại hối tăng hơn 45% đạt hơn 145 tỷ đồng.

“Năm 2022, OCB đặt kế hoạch 7.000 tỷ, thực tế đạt được lợi nhuận thuần 5.500 tỷ. Khoản 1.500 tỷ không đạt được như mục tiêu chính là kỳ vọng thu nhập kinh doanh trái phiếu chính phủ. Năm 2022 lãi suất tăng cao gần như đóng băng hoàn toàn mảng kinh doanh trái phiếu chính phủ. Trong khi trước đây mảng này bao giờ cũng có lời, chiếm tỷ lệ cao trong tổng thu nhập của ngân hàng”, CEO OCB lý giải về việc không đạt mục tiêu lợi nhuận đề ra cho 2022.

Năm 2023, OCB đặt kế hoạch lợi nhuận 6.000 tỷ. Lãnh đạo OCB cho biết đây là mục tiêu thận trọng, phù hợp so với kết quả đạt được 2022. Theo ông Tùng, năm 2022 không hoàn thành thì 2023 không thể không hoàn thành.

CEO ngân hàng đề cập, năm nay OCB tiếp tục dự báo thận trọng về kinh doanh trái phiếu chính phủ. Ngân hàng chủ yếu trông chờ vào hoạt động kinh doanh lõi.

Thông tin tới cổ đông liên quan hai khoản nợ của Tập đoàn FLC và Đại Nam, ông Tùng cho biết, toàn bộ danh mục nợ FLC và Đại Nam đã thu hồi xong. Cả hai danh mục tài sản này đã có người mua, ngân hàng cho phép khách hàng lấy lại tài sản bán cho bên thứ 3, đây là hình thức được Ngân hàng nhà nước (NHNN) cho phép.

Lãnh đạo OCB cho biết, năm nay ngân hàng dành sự ưu tiên, quyết tâm cao thu hồi nợ xấu. Năm nay, tình hình thị trường diễn biến không như kỳ vọng, chứa nhiều tín hiệu xấu. NHNN vừa công bố quy định liên quan cho phép cơ cấu lại nợ mà không thay đổi nhóm nợ gồm một số đối tượng. Quy định này gần giống như quy định cơ cấu lại nợ thời COVID. Năm vừa qua OCB rất nỗ lực mở rộng cho vay bán lẻ, là danh mục gặp rủi ro lớn từ điều kiện thị trường hiện nay. Ngân hàng sẽ cố gắng kiểm soát tỷ lệ nợ xấu, kỳ vọng dưới mục tiêu 3%.

Trả lời thắc mắc của cổ đông liên quan tới việc chậm trễ trả cổ tức 2022, Chủ tịch OCB Trịnh Văn Tuấn cho biết, trình tự thủ tục ngân hàng đã làm, đã được NHNN chấp thuận. Tuy nhiên, tiếp theo phải làm thủ tục bên Ủy ban Chứng khoán (UBCK), hồ sơ chi tiết phức tạp hơn. Do một số thiếu sót trong hoàn thiện hồ sơ, quy trình kéo dài ảnh hưởng tới chấp thuận của UBCK. Để đảm bảo quyền lợi cổ đông, OCB dự kiến gộp chia cổ tức trong 2023 và 2022. Ngay sau đại hội phê duyệt tăng vốn thêm 50% vốn điều lệ ngân hàng sẽ trình các thủ tục với NHNN, UBCK về chia cổ tức.

Tăng vốn điều lệ 2023 lên 20.548 tỷ đồng

Về định hướng kinh doanh năm 2023, OCB đặt mục tiêu tiếp tục tập trung vào việc phát triển quy mô và hiệu quả hoạt động, trong đó tập trung thúc đẩy hoạt động bán lẻ theo chiến lược 5 năm 2021-2025. Dự kiến tổng tài sản đến cuối năm sẽ tăng 25% lên 242.152 tỷ đồng. Tổng huy động thị trường 1 tăng 26% lên 173.087 tỷ; Dư nợ thị trường 1 tăng khoảng 20% lên 147.330 tỷ. Ngân hàng cũng cho biết, dư nợ tín dụng sẽ được điều chỉnh theo hạn mức tăng trưởng mà NHNN phê duyệt. OCB đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 6.000 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.

OCB có 7.037 tỷ đồng lợi nhuận để lại, trong đó 2.943 tỷ là lợi nhuận để lại năm 2022 và 4.094 tỷ đồng lợi nhuận để lại của các năm trước. Để phục vụ cho hoạt động kinh doanh, OCB đề xuất sử dụng lợi nhuận để lại và các nguồn khác thuộc vốn chủ sở hữu để tăng vốn điều lệ.

Cụ thể, ngân hàng dự kiến phát hành gần 685 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ 50%. Nếu thành công, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ 13.699 tỷ đồng lên 20.548 tỷ đồng. Thời gian phát hành cụ thể do HĐQT quyết định sau khi được chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.

Với số tiền thu được từ tăng vốn, ngân hàng sẽ dùng 6.176 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư và cho vay; 672 tỷ đồng để mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất.

Sau khi tăng vốn điều lệ, Aozora Bank, Ltd. vẫn là cổ đông lớn nắm giữ 15% vốn Ngân hàng.