Giả danh cán bộ công an/lực lượng chức năng

Giao dịch viên Hoàng Thị Dung - Agribank huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn đã giúp khách hàng ngăn chặn vụ lừa đảo
Giao dịch viên Hoàng Thị Dung - Agribank huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn đã giúp khách hàng ngăn chặn vụ lừa đảo

Agribank chi nhánh huyện Hữu Lũng - Lạng Sơn vừa kịp thời ngăn chặn giúp khách hàng thoát được vụ lừa đảo số tiền lớn.

Theo đó, ngày 17/11, khách hàng Hoàng Bảo Chung địa chỉ thôn Đồng Lai - Đồng Tân - Hữu Lũng đến giao dịch chuyển một khoản tiền cho khách hàng có tài khoản tại 01 ngân hàng khác hệ thống trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Khi đó, ông Chung nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng công an, thông báo ông đã vi phạm pháp luật. Để không bị niêm phong tài sản và bị tam giam, ông phải chuyển tiền cho bà Trần Thị Thu Trang (tài khoản mở tại Ngân hàng Liên Việt) để phục vụ công tác điều tra.

Những lời dọa dẫm liên tiếp của đối tượng khiến ông Chung hoảng hốt, nhanh chóng làm theo hướng dẫn và đến Ngân hàng để thực hiện các thủ tục chuyển tiền. Tuy nhiên, với tinh thần cảnh giác của các giao dịch viên đã kịp thời nắm bắt nhanh, tìm hiểu mục đích chuyển tiền của khách hàng. Sau khi biết được đây là chiêu thức lừa đảo, lợi dụng sự cả tin và chưa nắm rõ kiến thức của người dân về pháp luật, đối tượng đã lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền, giao dịch viên Hoàng Thị Dung đã giải thích, khuyên nhủ và ngăn chặn thành công việc chuyển tiền của khách hàng.

Trước đó, tại Agribank thành phố Hải Phòng, chị Ngô Thị Thu Minh (Agribank chi nhánh Kiến Thụy, Hải Phòng) cũng nhận được yêu cầu của 1 phụ nữ cao tuổi yêu cầu tất toán sổ tiết kiệm. Khách hàng đến Ngân hàng, lộ rõ lo lắng, hoảng loạn. “Tôi thấy nghi ngờ vì cũng biết nhiều chiêu trò lừa đảo bây giờ. Lúc đó thấy khách hàng rất lo lắng, tôi hỏi mãi mà chị cứ giấu không nói. Linh tính mách tôi đây là lừa đảo, nên tôi đã xin ý kiến lãnh đạo và trình báo công an, đồng thời phân tích cho khách hàng dừng việc chuyển tiền” chị Ngô Thị Thu Minh cho biết

Agribank chi nhánh Tuyên Quang là một trong những chi nhánh ngăn chặn thành công được nhiều vụ chuyển tiền cho đôi tượng lừa đảo trong thời điểm vừa qua. Bên cạnh những chiêu thức lừa đảo như trên, trong năm 2022, một hình thức lừa đảo tinh vi hơn dễ dàng lừa người dân hơn chính là lợi dụng chuyển tiền trên Ngân hàng điện tử (không cần qua quầy giao dịch của Ngân hàng).

“Một trong những trường hợp tôi gặp và không kịp hỗ trợ chính là do người dân chuyển tiền trên Ngân hàng điện tử trên điện thoại của mình. Nạn nhân là chủ cửa hàng kinh doanh bánh kẹo, sữa. Lợi dụng hàng hóa là hàng nhập khẩu, đối tượng tự xưng cơ quan cảnh sát điều tra gọi điện cho nạn nhân yêu cầu chứng minh nguồn tiền kinh doanh vì có đơn hàng mua bán từ nước ngoài liên quan đến sự vụ mà cơ quan cảnh sát điều tra đang điều tra. Theo đó, yêu cầu phải chuyển tiền vào tài khoản do cơ quan điều tra cung cấp để chứng minh tài chính của mình. Đối tượng lừa nạn nhân sẽ hoàn lại tiền sau khi xác minh xong vụ việc. Khách hàng quá lo lắng nên đã chuyển tiền ngay trên ứng dụng Ngân hàng điện tử của mình, dẫn đến tình trạng tiền mất, không lấy lại được”. Ông Dương Tuấn Phương, Phó phòng Dịch vụ Agribank chi nhánh Tuyên Quang chia sẻ.

Đây chỉ là một trong số rất nhiều vụ lừa đảo xảy ra gần đây. Các đối tượng lừa đảo thường thông qua mạng xã hội, hay sử dụng các đầu số lạ để tiếp cận những người nhẹ dạ, cả tin. Theo đó, người dân cần đề cao cảnh giác khi tiếp nhận các thông tin từ các đối tượng lạ số điện thoại yêu cầu người dân chuyển tiền.

Lừa đảo chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội của người thân

Hiện nay, các đối tượng lừa đảo qua mạng xã hội rất tinh vi, do đó, việc phát hiện kịp thời và hỗ trợ ngăn chặn chuyển tiền lừa đảo gặp nhiều khó khăn. Một trong những hành vi vi phạm phổ biến chính là “hack” Facebook

Phương thức, thủ đoạn quen thuộc các đối tượng thực hiện như sau: Chiếm quyền sử dụng tài khoản Facebook, Messenger của người sử dụng, sau đó giả danh chủ tài khoản nhắn tin cho những người quen biết trong nhóm bạn bè để mượn tiền hoặc nhờ chuyển tiền giúp vào một tài khoản (không phải tên chủ tài khoản Facebook, Messenger) ở một ngân hàng nào đó với nhiều lý do không thể tự mình nhận tiền.

Chiều ngày 01/08/2022, bà Nguyễn Thị Quý, trú tại xã Đông Hiếu, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An đã vội vã đến ngân hàng chuyển số tiền 100 triệu đồng cho con trai khi nhận được tin nhắn qua Messenger của con về việc dùng số tiền đó cho bạn vay tiền chữa bệnh cho bố. Bà Quý phải đi vay mượn bạn bè, hàng xóm để có đủ số tiền đó.

Trong quá trình giao dịch, nhân viên ngân hàng Nguyễn Thị Cẩm Vân đã nhận thấy những dấu hiệu bất thường và hướng dẫn bà Quý gọi điện trực tiếp cho con trai để xác nhận thông tin. “Hôm đó là thứ Hai, lượng khách đến giao dịch khá đông, bà Quý liên tục hối thúc tôi cho bà làm trước bởi con trai đang nhắn tin giục chuyển gấp. Khi được bà Quý đưa tin nhắn trên Messenger xem tài khoản để chuyển tiền, đọc qua tin nhắn thấy những dấu hiệu bất thường, tôi đã trực tiếp trao đổi với bà về một số hình thức lừa đảo qua mạng xã hội và hướng dẫn bà Quý gọi điện trực tiếp cho con trai để xác nhận thông tin.” Chị Vân kể lại

Bà Nguyễn Thị Quý cảm ơn Lãnh đạo Agribank Tây Nghệ An và giao dịch viên Nguyễn Thị Cẩm Vân, nhờ sự tư vấn và ngăn chặn kịp thời mà Bà tránh bị mất một khoản tiền lớn
Bà Nguyễn Thị Quý cảm ơn Lãnh đạo Agribank Tây Nghệ An và giao dịch viên Nguyễn Thị Cẩm Vân, nhờ sự tư vấn và ngăn chặn kịp thời mà Bà tránh bị mất một khoản tiền lớn

Sau hai cuộc gọi, bà Quý đã nói chuyện được với con trai đang ở nước ngoài và biết tài khoản Facebook của con đã bị hack và các đối tượng dùng Facebook đó lừa đảo chuyển tiền, bà Quý ngớ người vỡ lẽ. Bà vui mừng vì may mắn không bị mất 100 triệu đồng trong chốc lát.

Chị Cẩm Vân cho biết thêm: "Khi các khách hàng gọi video trên Messenger để kiểm tra, các đối tượng lừa đảo vẫn nghe máy nhưng hạn chế nói chuyện để không bị nhận ra giọng nói, có đối tượng nói "Mẹ/bố chuyển tiền cho con đi" rồi tắt máy, sau đó nhắn tin là do lỗi mạng, do đang bận việc nên không thể nói chuyện. Khi gọi video, trên màn hình vẫn loáng thoáng có hình ảnh chủ nhân Facebook nhưng là các hình được chụp đăng trước đó, chỉ hiển thị vài chục giây rồi tắt để tạo niềm tin cho người gọi. Tôi đã hướng dẫn khách hàng cứ gọi mấy phút liên tục sẽ nhận ra dấu hiệu bất thường và có khách hàng gọi xong thì bảo ngay không phải giọng con tôi"

Lừa đảo chuyển tiền để nhận quà từ nước ngoài

Chiêu thức “Lừa đảo nhận quà từ nước ngoài” là chiêu trò lừa đảo qua mạng đã xuất hiện tại Việt Nam trong nhiều năm qua. Mặc dù được cơ quan chức năng cảnh báo rộng rãi nhưng đến nay vẫn có rất nhiều người nhẹ dạ cả tin mà đánh mất cả trăm triệu với hy vọng nhận được món quà giá trị từ nước ngoài gửi về.

Bà Nguyễn Thị Quý cảm ơn Lãnh đạo Agribank Tây Nghệ An và giao dịch viên Nguyễn Thị Cẩm Vân, nhờ sự tư vấn và ngăn chặn kịp thời mà Bà tránh bị mất một khoản tiền lớn
Hình ảnh tin nhắn giữa khách hàng và "đối tượng" lừa đảo tại Bắc Kạn

Vừa mới gần đây, bà H.T.D, 59 tuổi, trú tại xã Lục Bình, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn đến Agribank chi nhánh tỉnh Bắc Kan thực hiện rút tiền tiết kiệm. Khi được hỏi mục đích chuyển tiền, bà D có chút chần chừ giấu diếm, tuy nhiên vẫn bộc lộ chút hoang mang lo lắng. Nhận thấy có điều khả nghi, giao dịch viên đã nhanh ý trò chuyện hỏi han để tìm hiểu kỹ nguyên nhân chuyển tiền. Theo đó, vào đợt giữa tháng 10, bà D có kết bạn facebook với một người ngoại quốc có nick “ISHWAR”. Đối tượng nói với bà D rằng: Nơi đối tượng sống đang có chiến tranh, người thân đã mất hết và muốn gửi quà tặng và tài liệu có nhiều thông tin bí mật cho bà giữ hộ.

Chỉ trong vòng 1 tháng trò chuyện thông qua tin nhắn mà bà D đã hoàn toàn tin tưởng vào một người lạ chưa từng gặp. Để tăng tính thuyết phục, đối tượng gửi hình ảnh chân thực về những chuyện hàng ngày. Đến khi thấy “người quen” đã bắt đầu tin tưởng và “sập bẫy”, ngày 21/11, đối tượng nhắn tin thông báo cho bà D biết quà đã về đến Việt Nam, nhưng do nơi ở đang xảy ra chiến sự các ngân hàng đều đóng cửa nên không thể chuyển phí hải quan, đề nghị bà D liên hệ với Hải quan và chuyển 25 triệu đồng vào tài khoản 101766171, tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương, chủ tài khoản VO MINH QUAN.

Nhanh chóng nắm bắt được những dấu hiệu của lừa đảo, giao dịch viên Agribank Bắc Kạn đã chủ động nói chuyện, chia sẻ với khách hàng để tìm hiểu kỹ mục đích chuyển tiền, đồng thời báo cáo lãnh đạo đơn vị phối hợp với Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh, kịp thời phát hiện và ngăn chặn vụ lừa đảo chuyển tiền.

Từ đầu năm đến nay, cơ quan công an đã khởi tố gần 500 vụ án của gần 1000 bị can liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo. Con số này bằng cả năm 2020 và tăng gần 50% so với cùng kỳ của năm 2021. Điều đó cho thấy, dù đã liên tục cảnh báo nhưng vẫn có rát nhiều người sập bẫy các chiêu trò lừa đảo qua mạng.

Nhờ sự cảnh giác của nhân viên Agiribank Quảng Bình, nữ khách hàng tránh bị lừa đảo 100 triệu đồng từ 2 cuốn sổ tiết kiệm
Nhờ sự cảnh giác của nhân viên Agiribank Quảng Bình, nữ khách hàng tránh bị lừa đảo 100 triệu đồng từ 2 cuốn sổ tiết kiệm

Các chi nhánh của Agribank trên toàn hệ thống đã liên tục cảnh báo và ngăn chặn thành công được nhiều vụ lừa đảo công nghệ cao như chi nhánh Bắc Giang II đã hỗ trợ được 17 nạn nhân trong 17 vụ lừa đảo, ngăn chặn thành công 3,5 tỷ đồng; Agribank chi nhánh Thành phố Hải Phòng hỗ trợ được thành công 2 vụ với số tiền lớn gần 2 tỷ đồng cùng hàng chục vụ chuyển tiền nhỏ (chuyển tiền nhận hàng từ sân bay, mua hàng online,…); Agribank chi nhánh Lạng Sơn hỗ trợ 5 nạn nhân thoát khỏi 5 vụ lừa đảo với số tiền lên tới 500 triệu đồng,…

Tăng cường cảnh báo và nâng cao cảnh giác

Trước tình trạng chiêu trò lừa đảo diễn ra nhiều và tinh vi như trong thời gian vừa qua, Agribank tiếp tục cảnh báo người dân chú ý khi sử dụng mạng xã hội Facebook, Messenger như sau: Nên thường xuyên thay đổi mật khẩu, sử dụng bảo mật hai lớp cho tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng; Tuyệt đối không truy cập vào các trang mạng không chính thống, không cài đặt các phần mềm, ứng dụng không rõ nguồn gốc; Khi có người thân, bạn bè nhờ nhận hoặc vay tiền qua mạng xã hội không thực hiện ngay mà phải liên hệ trực tiếp kiểm tra qua số điện thoại cá nhân hoặc gọi video, hoặc kiểm tra thử bằng các câu hỏi chỉ hai người biết và chưa được trao đổi qua tin nhắn mạng xã hội.

Riêng về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, đề nghị người dân đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng số điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước, đặc biệt là lực lượng Công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở... cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa biết rõ nhân thân và lai lịch của người đó, đặc biệt không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản do các đối tượng chỉ định.

Người dân khi mua hàng qua mạng cần sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo, rao bán về hàng hóa, danh tính người bán hàng, lựa chọn địa chỉ uy tín, hình thức thanh toán minh bạch. Thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội. Thường xuyên thay đổi để đảm bảo tính an toàn của mật khẩu; không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân có liên quan như: Căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, thẻ ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hoặc nhận tiền chuyển khoản của các ngân hàng cho người không quen biết.

Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.