ISSN-2815-5823
PHƯƠNG THÚY
Thứ năm, 10h21 07/12/2023

Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng

(KDPT) - Bảo vệ trẻ em an toàn trên không gian mạng cần sự chung tay của tất cả các bên, cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, nhà trường, gia đình và của cả cộng đồng.

Nguy cơ mất an toàn trên môi trường mạng đối với trẻ em

Theo thống kê của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, với hơn 70% dân số dùng Internet, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người dùng Internet cao. Việt Nam đang có khoảng 24,7 triệu trẻ em, chiếm gần 25% dân số. Trẻ em Việt Nam tiếp cận với Internet, các thiết bị kỹ thuật số từ rất sớm.

Thực tế, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, Internet mang lại nhiều lợi ích cho trẻ em trong học tập, giải trí... nhưng cũng kèm theo những rủi ro cho đối tượng này.

Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng
Trẻ em Việt Nam hiện đang tiếp xúc với với Internet, các thiết bị kỹ thuật số từ rất sớm. (Ảnh: Phương Thúy)

Theo Báo cáo Ngăn chặn hành vi gây tổn hại tại Việt Nam của ECPACT, Interpol và UNICEF (2022), tỷ lệ trẻ em sử dụng Internet ở độ tuổi 12-17 tuổi là rất cao, cụ thể: 91% trẻ xem video, 88% dùng mạng xã hội, 87% nhắn tin, 72% làm bài tập, 70% xem tin tức, 63% xem livestream… ít nhất 1 lần/tuần. Độ tuổi trung bình trẻ em Việt Nam sở hữu điện thoại di động là 9 tuổi, trong khi độ tuổi trung bình trẻ em được phổ cập các kiến thức về an ninh, an toàn mạng là 13 tuổi.

Báo cáo của Tổ chức ChildFund Việt Nam cũng cho biết, có tới 76% trẻ em có xu hướng tìm kiếm và chấp nhận bạn mới trên mạng xã hội. Còn theo số liệu thống kê của Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số, gần 36,5% trẻ em đã phải trải nghiệm các thông tin, hình ảnh liên quan đến bạo lực trên Internet. Hơn 13% trẻ em bị tiếp xúc không mong muốn với các tài liệu khiêu dâm trên mạng.

Cùng với sự "phổ cập" điện thoại di động thông minh, mạng xã hội, các kênh giao tiếp trên môi trường mạng, trẻ em trở thành đối tượng dễ bị tấn công trên môi trường mạng.

Có thể kể tới nguy cơ bị bắt nạt, bạo lực học đường từ đời sống thực đang dần chuyển lên cả không gian mạng. Nếu ở trường học các em bị bạo lực về thể chất, thì trên môi trường mạng, tinh thần của các em sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ các lời đồn, sự tẩy chay, tấn công trang cá nhân, xâm phạm đời tư, thông tin, trên mạng Internet... Đã có nhiều trường hợp trẻ em vì không chịu nổi áp lực của môi trường mạng từ một sự việc mà không dám tới trường, hoặc tự ti, mặc cảm dẫn tới hoạt động học tập, vui chơi và phát triển bị tác động tiêu cực.

UNICEF trong một báo cáo vào năm 2019 nêu ra, trong số các thanh thiếu niên tham gia khảo sát, có tới 21% cho biết mình bị bắt nạt trên mạng. Nghiêm trọng hơn, 3/4 trong số họ không biết về đường dây nóng hoặc các dịch vụ có thể giúp họ nếu bị bắt nạt hoặc bị bạo lực trên mạng.

Theo Báo cáo Ngăn chặn hành vi gây tổn hại tại Việt Nam của UNICEF (2022), tình trạng bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em Việt Nam trong lứa tuổi 12-17 qua mạng đang diễn ra khó lường, trong đó: 1% trẻ nhận được yêu cầu gửi ảnh/video về bộ phận nhạy cảm của mình khi các em không muốn; 0,2% được đề nghị cho tiền hoặc quà để đổi lấy hình ảnh nhạy cảm; 0,3% đe dọa hoặc hăm dọa trẻ tham gia hoạt động tình dục; 1% trẻ có ảnh nhạy cảm bị chia sẻ khi chưa được phép; 2% trẻ 15-17 tuổi đã nhận tiền hoặc quà để đổi cho hình ảnh, video nhạy cảm...

Các thông tin độc hại, lừa đảo trở thành nguy cơ tiềm ẩn, cạm bẫy khó nhận biết luôn rình rập các em trong khi đa số trẻ chưa có đủ kỹ năng để tự bảo vệ mình khi tham gia hoạt động trên không gian mạng. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho các gia đình, nhà trường và cơ quan quản lý nhà nước trong phòng, chống thông tin độc hại, lừa đảo và bảo vệ an toàn trên môi trường mạng.

Cần sự chung tay của cả xã hội

Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng
Với trẻ em, mạng Internet là một trong những kênh cung cấp kiến thức, giải trí. Tuy nhiên, nếu không được hướng dẫn, kiểm soát tốt thì không gian mạng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro. (Ảnh: Phương Thúy)

Bà Đinh Thị Như Hoa, Phó phòng Kiểm định, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, những thông tin về xâm hại trẻ trên nền tảng mạng xã hội rất ít đặt trên máy chủ ở Việt Nam mà thường ở máy chủ nước ngoài. Do đó, công tác gỡ bỏ những nội dung này gặp khó khăn. Để ứng phó với những vấn đề này, trung tâm thường triển khai các biện pháp ngăn chặn để người dùng địa chỉ IP Việt Nam không thể truy cập vào các trang web có nội dung đó.

Ths Đỗ Đức Long - Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chia sẻ: Gia đình đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ trẻ em trước những tác động tiêu cực trên không gian mạng. Phụ huynh cần tìm hiểu tâm lý của trẻ để góp ý, định hướng cho trẻ; chịu khó lắng nghe, chia sẻ với những mong muốn của trẻ; dành thời gian để gắn kết các thành viên trong gia đình.

Đồng thời, cha mẹ cần phải hướng dẫn trẻ kỹ năng sử dụng Internet một cách thông minh để trẻ tự bảo vệ mình trên môi trường mạng như: Hướng dẫn cách nhận biết và đánh giá các mối nguy tiềm ẩn trên mạng, bao gồm quấy rối, nội dung không phù hợp, và các hoạt động gian lận; Hướng dẫn cho trẻ biết cách tạo mật khẩu mạnh và duy trì tính bảo mật của tài khoản của mình. Đặc biệt, cha mẹ cần phải giúp cho trẻ hình thành kỹ năng đối mặt và ứng phó với các tình huống quấy rối trực tuyến, bao gồm cách báo cáo và tìm sự giúp đỡ.

"Bên cạnh đó, gia đình nên đề ra các quy tắc rõ ràng về việc sử dụng mạng và thiết lập giới hạn thời gian trực tuyến cho trẻ. Thường xuyên kiểm tra hoạt động trực tuyến của trẻ và đảm bảo rằng họ không tiếp xúc với nội dung không phù hợp hoặc nguy hiểm. Tham gia cùng trẻ trên môi trường mạng, thể hiện tình yêu thương và sự quan tâm của gia đình để trẻ em cảm thấy thoải mái khi chia sẻ mọi vấn đề mình gặp phải trên mạng. Những vai trò này sẽ giúp gia đình đóng góp tích cực vào việc bảo vệ trẻ em khỏi những tác động tiêu cực trên không gian mạng và tạo ra một môi trường an toàn cho sự phát triển của họ", ông Đỗ Đức Long cho biết thêm.

Trẻ em cần phải được bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn bằng tất cả tình yêu thương và sự chia sẻ. Để bảo vệ những búp măng non khỏi tác động tiêu cực của không gian mạng, đó là nhiệm vụ lâu dài, đòi hỏi sự chung tay của toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội. Do đó, Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung những văn bản có liên quan đến bảo vệ trẻ em phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Việc hướng trẻ em đến những hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, hữu ích khác từ thế giới bên ngoài cũng là giải pháp thiết yếu mà các bậc phụ huynh cần quan tâm. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần nhanh chóng, chủ động kiểm tra, theo dõi, xử lý nghiêm các ứng dụng, trò chơi thiếu lành mạnh…/.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 06/10/2024