ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ năm, 13h50 20/06/2024

Kiếm tiền từ sáng tạo nội dung số ngày càng cạnh tranh gay gắt

(KDPT) - Nội dung số đang là mảnh đất màu mỡ cho những nhà sáng tạo nội dung. Thu nhập khủng từ nền tảng này là mong ước của nhiều người hiện nay. Tuy nhiên, hiện nay "miếng bánh" này cũng không "dễ ăn".

Thị trường sáng tạo nội dung có sức hút lớn

Trong năm 2022, số người Việt Nam kiếm tiền từ các nền tảng mạng xã hội lên tới 20.000 người và mang về một khoản doanh thu ngoại tệ 800 triệu USD, tương đương khoảng 1.500 tỷ đồng. Con số này tính đến nay chắc chắn còn tăng lên. Thị trường sáng tạo nội dung số Việt Nam đang ngày càng lớn mạnh, đòi hỏi một nguồn nhân lực dồi dào.

Một công ty chuyên cung cấp dịch vụ truyền thông và tiếp thị. Doanh nghiệp có nhu cầu về nhân sự sáng tạo nội dung số ở 2 lĩnh vực: một là những nhân sự sáng tạo trong công ty để tham gia vào việc lên ý tưởng và thiết kế cho các chiến dịch truyền thông, hai là những người sáng tạo nội dung số được lựa chọn hợp tác cho từng chiến dịch cụ thể. Với mỗi chiến dịch, họ cần từ 30 - 50, thậm chí là 100 người sáng tạo nội dung.

Chị Lê Hồng Thắm - Giám đốc Công ty Truyền thông Real Up - cho rằng: "Sáng tạo nội dung là một công việc có vị trí vô cùng quan trọng bởi vì họ là những người tạo ra thông điệp và giúp phân phối thông điệp thương hiệu đến người tiêu dùng. Đây là một vị trí quyết định sức ảnh hưởng của thương hiệu và truyền thông lên mạng xã hội".

Theo ông Vũ Kiêm Văn - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam - cho biết: "Xuất hiện ngày càng nhiều nhà sáng tạo nội dung, từ cá nhân đến tổ chức. Đặc biệt là xuất hiện nhiều doanh nghiệp có giá trị thị trường hàng trăm triệu USD trong lĩnh vực sáng tạo số. Lực lượng những người được đào tạo bài bản tham gia lĩnh vực này ngày càng nhiều. Từ mỹ thuật, đạo diễn, truyền thông đa phương tiện, đồ họa, trí tuệ nhân tạo...". Cho thấy đây đang là lĩnh vực gây sự thu hút lớn, mảnh đất màu mỡ để phát triển, gây tác động nhất định đến đời sống văn hóa xã hội.

Thu nhập từ nội dung số trên thế giới và Việt Nam ra sao?

Vài năm trở lại đây, mạng xã hội Tiktok  lên ngôi, thậm chí hiện nay nó còn có ảnh hưởng lớn hơn youtube, facebook. Nhiều Tiktoker (sáng tạo nội dung trên tiktok) đã trở nên nổi tiếng, có thu nhập tốt nhờ nền tảng này.

Không giống như YouTube, nơi có chương trình quảng cáo lâu đời chia sẻ tỷ lệ phần trăm doanh thu quảng cáo cho các video dài hơn với những người sáng tạo đủ điều kiện, TikTok chỉ mới bắt đầu thử nghiệm chia tiền quảng cáo với một số người có ảnh hưởng gần đây.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngoài chia sẻ doanh thu quảng cáo, TikTok còn có một số công cụ kiếm tiền tích hợp như "quà tặng ảo" cũng như Quỹ người sáng tạo để trả tiền cho người dùng có ít nhất 10.000 người theo dõi và 100.000 lượt xem trong khoảng thời gian 30 ngày cho mỗi video của họ.

Bất chấp những thử nghiệm ban đầu về chia sẻ doanh thu quảng cáo và một loạt các chương trình thanh toán khác nhau, nhiều nhà sáng tạo nội dung trên TikTok vẫn chủ yếu dựa vào các hợp đồng quảng cáo bên ngoài để kiếm phần lớn thu nhập của họ.

Theo anh Alex Ojeda, một người sáng tạo có khoảng 8 triệu người theo dõi trên TikTok, chia sẻ với Insider vào năm 2022 rằng mức giá cho mỗi video quảng cáo của anh trên nền tảng này là 20.000 USD. Một con số đáng mơ ước với nhiều người.

Một số TikToker cũng kiếm tiền bằng cách nhận "quà tặng" ảo trong quá trình phát trực tiếp hoặc trong các phần khác của ứng dụng, có thể quy đổi thành tiền mặt. Chẳng hạn, người tạo nội dung ASMR Lucy Davis nói với Insider rằng cô ấy kiếm được từ 20 đến 300 USD mỗi lần phát trực tiếp.

Jakey Boehm, một người sáng tạo người Úc đã phát trực tiếp trên TikTok khi anh ấy đang ngủ, đã kiếm được 34.000 USD từ TikTok Live trong một tháng.

"Đó thực sự là một nguồn tiền có thể thay đổi cuộc sống" anh nói với Insider. "Tuần đầu tiên tôi kiếm được khoảng 5.000 USD và đó là lúc tôi nghĩ 'Điều này thật tuyệt, tôi có thể làm điều gì đó thực sự điên rồ ở đây' ".

Tương tự như những nhà sáng tạo ở nước ngoài, nguồn thu nhập chính của các TikToker Việt Nam cũng đến từ việc bán hàng online và nhận hợp đồng quảng cáo từ các thương hiệu.

Tiktoker Phạm Thoại từng chia sẻ mỗi buổi tối livestream bán hàng thu về hơn 100 triệu đồng. Có lần livestream 2 ca/ngày, nhận hoa hồng 50 triệu đồng. Cuối năm 2022, Phạm Thoại từng tiết lộ thu nhập hơn 1,2 tỉ đồng/tháng từ cửa hàng bán quần áo. Chưa kể các nguồn thu từ việc làm mẫu ảnh, nhận quảng cáo, review sản phẩm, dự sự kiện…

Cặp đôi Linda Ngô và Phong Đạt cho biết một người sở hữu kênh có khoảng 2 - 3 triệu lượt theo dõi trên TikTok thì có thể kiếm được 200 - 300 triệu đồng/tháng. Với việc đang có hơn 5,2 triệu theo dõi, nếu tính toán đơn giản thì hàng tháng đôi vợ chồng này đã đút túi từ 600 - 700 triệu đồng, chưa kể các buổi dự sự kiện và nguồn thu từ Youtube. Một con số thật sự "khủng", là niềm ao ước của nhiều người.

Cạnh tranh gay gắt, "vỡ mộng" làm giàu

Theo báo cáo từ Goldman Sachs cho thấy có hàng trăm triệu người sản xuất nội dung số nhưng chỉ có 50 triệu người là thực sự kiếm được tiền từ nghề này.

Từ những thành công của MrBeast trên YouTube hay Charli D'Amelio của TikTok đã khiến rất nhiều bạn trẻ mơ ước trở thành ngôi sao mạng xã hội hay KOL, theo đuổi sự nghiệp sáng tạo nội dung số. Họ hy vọng có thể "đổi đời" có tiền bạc, danh tiếng khi dấn thân vào môi trường đầy hấp dẫn này.

Tuy nhiên, mọi thứ không hề đơn giản như vậy.

Trường hợp của anh Clint Brantley là một ví dụ khi người đàn ông này đã làm nghề sáng tạo nội dung số suốt 3 năm trên TikTok, YouTube và Twitch. Mặc dù có hơn 400.000 người theo dõi và các bài đăng có trung bình 100.000 lượt xem nhưng thu nhập năm 2023 của Brantley vẫn thấp hơn mức lương bình quân hàng năm của một lao động toàn thời gian tại Mỹ, tương đương 58.084 USD. Nói đơn giản hơn, thu nhập của anh Brantley chẳng bằng một lao động toàn thời gian bình thường.

1 buổi livetream của anh Clint Brantley.
1 buổi livetream của anh Clint Brantley.

Hay lấy ví dụ từ KOL Yuval Ben-Hayun nổi tiếng trên TikTok vào năm 2020 nhờ các bài đăng về game đố chữ Wordle. Chàng trai 29 tuổi dần mở rộng sang lĩnh vực ngôn ngữ và các nội dung giáo dục khác. Đến đầu năm 2023, anh đã có thể trang trải cuộc sống cho bản thân và chi phí sinh hoạt hơn 4.000 USD/tháng nhờ các khoản thưởng của TikTok.

Nhưng thời gian gần đây anh chỉ nhận được 200-400 USD cho mỗi một triệu lượt xem. Con số này giảm dần kể từ đó, ngay cả khi số người theo dõi của anh đã lên tới 2,9 triệu.

Người theo dõi vẫn còn đó, nhưng tiền thì không. Gần đây, anh thậm chí còn chạm đáy mới, chỉ nhận được 120 USD cho một video có 10 triệu lượt xem.

Những bạn trẻ tham gia sáng tạo nội dung số thường mơ về một viễn cảnh giàu có, dễ kiếm tiền nhưng thực tế câu chuyện hoàn toàn ngược lại. Ngành KOL mạng đang ngày càng khó khăn hơn trước sự kiểm soát chặt chẽ từ chính phủ các nước.

Kinh tế khó khăn khiến doanh nghiệp ít chi tiền quảng cáo hơn, người xem ít quyên góp hơn còn các nền tảng thì cắt giảm phí hóa hồng và siết chặt quản lý nội dung do lo sợ vi phạm các tiêu chuẩn mới.

Báo cáo năm 2023 của Goldman Sachs cho thấy có hàng trăm triệu người sản xuất nội dung số nhưng chỉ có 50 triệu người là thực sự kiếm được tiền từ nghề này. 

Phần lớn những người mới tham gia phải tốn hàng tháng, thậm chí hàng năm trời mới bắt đầu kiếm tiền được từ nghề, nhưng ngay cả như vậy, việc sản xuất được nội dung độc quyền, thu hút khán giả để duy trì độ tương tác là điều chẳng hề đơn giản.

Đó là chưa kể việc cần liên tục tạo ra những bài viết hấp dẫn nếu không sẽ có nguy cơ mất tương tác đã thúc ép các nhà sáng tạo nội dung số lâm vào cảnh bị stress khi liên tục phải cho ra nội dung mới. Cũng giống như nhiều người tự kinh doanh khác, những KOL mạng này không được trả lương trong thời gian nghỉ phép, phúc lợi chăm sóc sức khỏe, đóng góp hưu trí và các đặc quyền khác mà các công ty thường cung cấp cho nhân viên của họ.

Với đà lạm phát, lãi suất cao và nền kinh tế khó khăn hiện nay khi cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng thắt chặt hầu bao, nghề nội dung số đang vất vả hơn bao giờ hết.

Có thể nhận định việc kiếm tiền từ các nền tảng số vẫn là đang là xu hướng, là một bước đệm cho các nhà sáng tạo nội dung trở nên viral, nổi tiếng hơn. Tuy vậy, đây cũng không phải là môi trường "chạm đâu cũng biến thành vàng", thậm chí nhiều người còn vì những lượt xem, lượt follow mà làm những nội dung bẩn, video rác, gây ảnh hưởng đến văn hóa, xã hội, tạo dư luận xấu.

Họ chỉ mong muốn được nổi tiếng chỉ sau 1 vài video đang viral (xu hướng) mà quên mất rằng công việc này thật sự cần tâm huyết, đầu tư chất xám hơn họ nghĩ. Những người làm nội dung số kiếm sống bằng nghề này đã dành nhiều năm liền chỉ làm những việc như vậy. Hiếm có ai vụt sáng chỉ sau một đêm./.

 



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/12/2024