ISSN-2815-5823

Xây đặc khu: Cần tính toán cụ thể và thực tế

(KDPT) – Vừa qua, UB Thường vụ QH cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Nhiều ý kiến lưu ý rà soát kỹ chính sách ưu đãi cho phù hợp.

Cần có chính sách hợp lý

Góp ý về nguồn lực đầu tư cho 3 đặc khu, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, việc lập 3 đặc khu để thu hút nguồn lực, tạo 3 vùng động lực chứ không phải để Nhà nước bỏ ra 1 triệu tỷ đồng.

“Kế hoạch đầu tư công trung hạn chỉ có 2 triệu tỷ đồng trong khi 3 đặc khu cần 1 triệu tỷ đồng thì cần xác định nguồn ở đâu, so với kế hoạch trung hạn thế nào để đảm bảo khả thi”, bà nói.

Theo Chủ tịch QH, vấn đề là thu hút đầu tư chứ không phải Nhà nước đổ tiền vào rồi miễn, giảm thuế. “Mục đích cuối cùng là đặc khu ra đời để được cái gì, bỏ ra 1 đồng để thu lại vài chục, vài trăm đồng chứ không thể 10-20 năm tới ngồi đánh giá tổng kết lại thấy không được gì”.

Cũng băn khoăn về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng cần tính toán nguồn lực một cách cụ thể: “Nói phải đi đôi với thực hiện. Ngoài bỏ ngân sách thì còn miễn, giảm, giãn… thì cũng phải tính toán. Tất cả phải ở trên bàn, ít nhất cũng khái toán bởi kinh tế mà định tính thì không thể đưa ra quyết định đúng đắn”.

Về chính sách, ông Phùng Quốc Hiển đề nghị làm rõ thế nào là “đặc biệt” để tránh việc giao đất 99 năm tràn lan. Ngoài ra, việc miễn, giảm thuế cần cân nhắc.

Ông cũng đặt câu hỏi: “Tại sao ưu đãi kinh doanh bất động sản lên đến 10% trong khi đất ở những nơi này đang ‘sốt’ dần, dễ là nơi ‘lướt sóng’ chứ không phải đầu tư?”.

Đặc khu Bắc Vân Phong của Khánh Hòa.

Cho “cơ chế nhưng không cho tiền”

Phó Chủ tịch QH bày tỏ không đồng tình miễn, giảm như dự luật và đề xuất nên có chính sách hợp lý hơn.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến kiến nghị: Luật cần ghi là Nhà nước có chính sách đặc biệt đối với 3 đặc khu, phải khác với các chính sách khuyến khích, hỗ trợ khác hiện nay.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng nhấn mạnh là loại bỏ bớt các thủ tục, nhất là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để tạo môi trường đầu tư thông thoáng so với các nước trong khu vực, giảm bớt danh mục ngành nghề kinh doanh đầu tư có điều kiện trên địa bàn đặc khu.

Đặc khu Phú Quốc.

Về cơ chế ưu đãi cho đặc khu, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải bày tỏ ủng hộ trên tinh thần “cho cơ chế mà không cho tiền”, ngân sách Trung ương chỉ hỗ trợ một phần vì còn phải lo nhiều việc khác liên quan như cân đối nguồn thu, đầu tư trung dài hạn… tránh tình trạng quyết tâm làm nhưng sau này khó thanh toán các công trình.

Bên cạnh đó, thời gian ưu đãi cần theo thời kỳ, không nên quá dài dù chúng ta muốn khẳng định sự ổn định trong chính sách của Việt Nam.

Đối với quản lý hàng miễn thuế, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, quy định như dự thảo có thể nhằm mục tiêu thu hút khách du lịch nhưng cần rút kinh nghiệm từ thực tiễn như hàng miễn thuế ở Lao Bảo trước đây có hiện tượng người dân Sài Gòn lên mua hàng, hàng trong nước “chạy” lên Lao Bảo để bán. Do đó, cần có quy định chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn với quy định về hàng miễn thuế.

Nguyễn Thu



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 06/10/2024