Công việc áp lực, chế độ thấp nên nhiều nhân viên bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia Hdrai (Kon Tum) xin nghỉ.

Nhức nhối nạn “xẻo thịt” rừng trộm làm kinh tế

Rừng được mệnh danh là vàng. Nói là vàng bởi ngoài giá trị vô hình mang lại như điều tiết khí hậu, chống xói món, đặc biệt là phát triển kinh tế toàn diện, bền vững cung cấp giá trị hữu hình như gỗ và đất rừng. Gỗ và đất lên cơn sốt thời gian qua đã khiến rừng trở thành miếng mồi ngon cho lâm tặc “xâu xé”.

Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh Doanh & Phát Triển cùng ông Lê Bá Phúc Sinh, Giám đốc Công ty Agri Lắk trở lại xã Đắk Nuê (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk), nơi đơn vị ông từng liên kết với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lắk trồng 57 hécta rừng cao su, keo vào năm 2012. Nay quay lại chứng kiến diện tích rừng ngày nào bỗng hoá thành những đồi cà phê rộng bạt ngàn. Ông Lê Bá Phúc Sinh chua chát nói: 4 năm sau trồng rừng, hàng chục hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số ở buôn Dlie (xã Đắk Nuê) lấy lý do không có tư liệu sản xuất đã đập phá trụ sở làm việc, chặt phá rừng trồng, qua đó yêu cầu cấp đất. Hậu quả 57 hécta rừng keo và cao su nói trên bị người dân chặt phá trồng hoa màu. Sau này, bà con bán lại cho người khác lấy tiền tiêu xài, cuộc sống luẩn quẩn trong vòng tròn đói khổ, lại tiếp tục lấn chiếm đất rừng. Phía công ty ngoài thiệt hại gần 6 tỷ đồng, còn mất luôn cả 57 hécta đất vì không cưỡng chế thu hồi được.

Khi được hỏi về động cơ lâm tặc phá gần 400 hécta rừng ở 2 tiểu khu 205 và 222 vào tháng 4 diện tich do đơn vị quản lý, ông Nguyễn Công Tạo, Chủ tịch UBND xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk khẳng định: “Người vi phạm đa số là người dân địa phương, thậm chí cả những người trước đây nằm trong nhóm hộ nhận bảo vệ rừng. Các đối tượng này khi hay tin một doanh nghiệp đang khảo sát dự án thì tổ chức phá rừng giành đất, trồng hoa màu, chờ khi dự án thực hiện thì yêu cầu chủ đầu tư bồi thường thiệt hại. Điển hình, tại tiểu khu 222, khi Công ty Đức Tâm triển khai dự án nông lâm nghiệp, các đối tượng cũng đã vào giành đất, trồng hoa và yêu cầu phía công ty bồi thường lại với giá gần 200 triệu đồng/hécta”.

Nói thêm về vụ việc, ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong vụ lấn chiếm gần 400 hécta rừng tại xã Ya Tờ Mốt, đơn vị đánh giá đây là sự việc nghiêm trọng, diện tích thiệt hại lớn nên đã kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ có đầu nậu đứng sau xúi giục hay không. Ông Nguyễn Quốc Hưng cũng cho biết thêm, trong 2 năm trở lại đây, tình trạng phá rừng trên địa bàn chủ yếu là lấn chiếm đất. Trong đó, ngoài việc người dân phá rừng lấy đất sản xuất thì còn có một số thành phần lấn chiếm đất rừng để bán lại kiếm lời.

Hàng loạt cây thông ba lá bị cưa hạ tại tiểu khu 144b, phường 8, TP Đà Lạt.

Tại Gia Lai, ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai cho biết, trên địa bàn, trong 2 năm qua, nguyên nhân chính của việc phá rừng là do tình trạng gia tăng dân số dẫn đến nhu cầu cao về đất canh tác. Từ đó gia tăng tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để mở rộng diện tích nương rẫy trồng các loài cây nông sản, cây công nghiệp có giá trị kinh tế.

Thực tế, việc rừng bị phá dễ dàng còn một phần do lực lượng bảo vệ rừng thiếu trách nhiệm, thậm chí bắt tay lâm tặc phá rừng. Cụ thể, từ năm 2020 đến năm 2022, đã có 14 nhân viên bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lơ Ku; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia Pa (thuộc tỉnh Gia Lai); Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk); Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Glei (tỉnh Kon Tum) bị khởi tố về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng do để xảy ra phá rừng trên lâm phần quản lý. Tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (tỉnh Đắk Lắk), 2 nhân viên bảo vệ rừng của đơn vị này nhận 35 triệu đồng rồi để cho lâm tặc vào lâm phần quản lý khai thác gỗ trái phép cũng đã bị truy tố, xét xử về tội nhận hối lộ.

Giám đốc Sở NN-PTNTN Lâm Đồng Nguyễn Văn Sơn cho biết, nguyên nhân xảy ra phá rừng thời gian qua ngoài do nhu cầu đất sản xuất trên địa bàn tỉnh ngày càng gia tăng, đời sống của người dân còn khó khăn thì còn lý do khác như một số đơn vị chủ rừng, kiểm lâm chưa quyết liệt trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Ngoài ra, rừng mất một phần do các đơn vị chủ rừng chưa sử dụng hiệu quả lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng để ngăn chặn, xử lý; một số doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng để triển khai dự án nhưng không bố trí lực lượng bảo vệ rừng hoặc có bố trí nhưng không có chuyên môn, nghiệp vụ về lâm nghiệp…

Cần làm gì để giữ rừng phát triển kinh tế xanh

Trong số khoảng 2,5 triệu hécta rừng ở Tây Nguyên thì phần lớn rừng được giao cho các Công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng trực tiếp bảo vệ. Chúng tôi cưỡi “ngựa sắt” rong ruổi khắp các tỉnh Tây Nguyên để cùng ăn, ngủ, đi tuần tra với họ và thấy đời sống người giữ rừng hiện khốn khổ trăm bề. Khổ không chỉ công việc nguy hiểm, mà còn bị nợ lương, áp lực công việc khiến nhân viên giữ rừng xin nghỉ việc hàng loạt. Nhìn các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng hiện nay như “con tàu đắm”.

Nhiều tháng qua, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Lơ Ku (gọi tắt là Công ty Lơ Ku, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) đăng tuyển 4 nhân viên bảo vệ rừng nhưng đến nay vẫn chưa có ai xin vào làm dù công ty hạ tiêu chuẩn tuyển từ trung cấp xuống còn lao động phổ thông. Thiếu nhân viên giữ rừng, 13 nhân viên hiện có phải ôm thêm khối lượng công việc của 4 người đang thiếu.

Nhân viên bảo vệ rừng của Công ty Tân Mai bất lực trước tình trạng người dân lấn chiếm đất rừng tại tiểu khu 1392, xã Đắk Phơi

Ông Nguyễn Văn Hợi, Giám đốc Công ty Lơ Ku cho biết, nghề bảo vệ rừng hiện đang có nhiều cái nhất như: Lương thấp nhất (trung bình 4 triệu/1 tháng); chế độ thấp nhất; áp lực công việc, áp lực đối mặt với lâm tặc hầu như là các đối tượng nguy hiểm nhất. Tại đơn vị, nhân viên đi tuần tra chỉ có bình xịt hoặc gậy gộc nên nhiều khi gặp lâm tặc hung dữ phải bỏ chạy để giữ tính mạng. Cũng vì nhiều cái nhất đó nên 3 năm qua, đã có 22 nhân viên bảo vệ rừng không chịu nổi áp lực đã “bứt xô” xin nghỉ về nhà làm nông, chạy xe ôm, bán hàng… Công ty đã đăng tuyển nhưng nhiều người chê không làm. Cũng vì thiếu người giữ rừng nên lâm tặc mới dễ dàng trà trộn vào lâm phần cưa gỗ như thời gian qua.

Tình cảnh của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia Hdrai (gọi tắt là Công ty Ia Hdrai, huyện Ia Hdrai, tỉnh Kon Tum), nơi xảy ra nhiều vụ khai thác rừng trong những năm qua, còn bi đát hơn. Ông Lê Văn Thoan, giám đốc công ty buồn rầu kể: “Từ năm 2021 đến nay, do chưa được nhà nước cấp kinh phí hỗ trợ theo quyết định 2242 nên công ty không có tiền trả lương, chế độ cho cán bộ công nhân viên chức. Một số thời điểm phải nợ chế độ. Điều này làm tâm lý một số nhân viên hoang mang. Việc nợ lương, chế độ thấp, áp lực công việc khiến khoảng 10 người xin nghỉ việc trong 1 năm qua. Chúng tôi cũng tuyển nhưng không tuyển được, hiện đang thiếu 4 người giữ rừng”.

Theo Sở NN-PTNT Gia Lai, thời gian qua, dù đơn vị đã động viên, tạo điều kiện để công chức, viên chức quản lý bảo vệ rừng và người lao động ở lại làm việc nhưng vì công việc vất vả, chế độ lương, phụ cấp thấp nên nhiều người xin thôi việc, kể cả công chức giữ chức vụ lãnh đạo. Cụ thể, đối với công chức kiểm lâm, từ năm 2021 đến nay, đã có 21 công chức nghỉ hưởng chính sách tinh giản biên chế và nghỉ việc theo nguyện vọng cá nhân; còn viên chức bảo vệ rừng tại các ban quản lý rừng thì có 10 người nghỉ việc. Tại các công ty lâm nghiệp, trong 3 năm đã có 82 trường hợp xin nghỉ việc và 12 trường hợp bị buộc thôi việc, chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn. Ngoài ra, việc tuyển dụng công chức kiểm lâm và viên chức quản lý bảo vệ rừng gặp một số khó khăn, như tuyển không đủ so với chỉ tiêu biên chế được giao do chế độ, chính sách còn thấp, chưa phù hợp với mặt bằng tiền lương đối với các ngành nghề độc hại, nguy hiểm. Việc thiếu hụt nhân lực đang khiến cho nhiệm vụ giữ rừng, bảo vệ rừng trở nên khó khăn, xa hơn là nguy cơ “mất rừng”.

Chung tình cảnh, ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết, từ năm 2016 đến nay, chỉ riêng đơn vị ông có 5 công chức xin nghỉ việc, 13 công chức xin chuyển công tác, 44 công chức xin nghỉ hưu trước tuổi và 3 công chức xin từ chức, xuống chức. Thậm chí, có cán bộ của đơn vị nghỉ việc để đi làm các công việc chân tay. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là điều kiện làm việc, sinh hoạt, đi lại khó khăn, thu nhập thấp nhưng trách nhiệm cao. Cũng theo ông Hưng, hiện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk còn thiếu 111 công chức, tương đương mỗi Hạt Kiểm lâm huyện thiếu từ 8-10 cán bộ so với nhu cầu thực tế. Do đó, có những trường hợp một kiểm lâm phải kiêm nhiệm 5 đến 6 xã với diện tích hàng chục ngàn hécta rừng, công việc càng thêm áp lực nặng nề. Thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk xảy ra nhiều vụ phá rừng, một phần vì ở các địa phương thiếu lực lượng bảo vệ rừng.

Một thực tế đáng buồn khác là các trường đào tạo nhân lực cho lâm nghiệp không hút được sinh viên, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt lao động có chất lượng cho ngành lâm nghiệp trong tương lai. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên cho biết: “2 năm nay, trường phải ngưng đào tạo ngành Quản lý tài nguyên rừng và môi trường vì không có sinh viên theo học. Ngoài ra, khóa học năm 2021, ngành Lâm Sinh chưa đầy 10 sinh viên tham gia. Thực trạng rừng không ngừng bị xâu xé, người giữ rừng đang thiếu hụt trầm trọng. Trong khi đó, các ngành nghề đào tạo lực lượng kiểm lâm giờ đây không còn thu hút được sinh viên. Đây là một thực trạng đáng buồn cho ngành lâm nghiệp”.

Trước dó, tại tỉnh Lâm Đồng, các cấp đã kỷ luật 16 kiểm lâm, trong đó có 3 trường hợp cảnh cáo và 13 trường hợp khiển trách; xử lý kỷ luật 83 người của các đơn vị chủ rừng, trong đó 68 trường hợp khiển trách, 7 trường hợp cảnh cáo. Đặc biệt, có 4 trường hợp buộc thôi việc và 4 trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự.