ISSN-2815-5823
AN NHIÊN
Thứ sáu, 16h10 03/11/2023

Bức tranh thị trường bất động sản nhìn từ hoạt động của doanh nghiệp

(KDPT) - Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, số doanh nghiệp bất động sản tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên đến 3.441 doanh nghiệp và có 1.067 doanh nghiệp bất động sản đã hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 9,5% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn.

Hơn 1.000 doanh nghiệp địa ốc giải thể

Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội 10 tháng năm 2023 của Tổng cục thống kê, trong tháng 10/2023, cả nước có hơn 15.400 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 21,7% so với tháng trước và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cả nước còn có 5.600 doanh nghiệp quay lại hoạt động, giảm 3,1% so với tháng trước và tăng 44,2% so với cùng kỳ; có 5.501 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 33,4% so với tháng trước và tăng 35,6% so với cùng kỳ; có 4.898 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 7,1% so với tháng trước và tăng 16,6% so với cùng kỳ; có 1.501 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 4,2% so với tháng trước và giảm 6,3% so với cùng kỳ.

Tính chung 10 tháng đầu năm 2023, cả nước có 183.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 18.400 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Bình quân một tháng có 14.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Riêng lĩnh vực kinh doanh bất động sản, trong 10 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới đạt 3.850, giảm 50,2% so với cùng kỳ. Trong khi đó, doanh nghiệp bất động sản tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên đến 3.441 doanh nghiệp và có 1.067 doanh nghiệp bất động sản đã hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 9,5% so với cùng kỳ.

Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), thực trạng sức khỏe của các doanh nghiệp địa ốc đã có dấu hiệu được cải thiện, song chưa phải hoàn toàn trên diện rộng. Minh chứng là số lượng doanh nghiệp bất động sản quay trở lại hoạt động, tuyển dụng ghi nhận tăng ở một số địa phương có thị trường phục hồi tốt. Tính đến cuối tháng 8, có 1.721 doanh nghiệp bất động sản quay trở lại hoạt động, tăng 102% so với cùng kỳ năm 2022.

“Riêng với các sàn giao dịch địa ốc, khoảng 20% sàn tiếp tục đối diện nguy cơ giải thể, phá sản; 40% sàn đang nỗ lực chống đỡ để duy trì, chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt và phải cố gắng cầm cự với niềm tin thị trường sẽ khôi phục vào cuối năm 2023”, VARS thông tin.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã thành công trong việc tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, và bắt đầu triển khai các dự án mới đã được tháo gỡ về pháp lý và nguồn vốn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như việc gặp khó khăn về giao dịch, tiếp đến là khó khăn về pháp lý đất đai, và vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng áp lực thanh toán nợ trái phiếu đến hạn...

Thị trường vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn

Ở một chia sẻ mới đây, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết thị trường bất động sản có vai trò và vị trí quan trọng đặc biệt đối với nền kinh tế quốc dân của Việt Nam.

Tuy nhiên, trong năm 2022 và đặc biệt là nửa cuối năm 2022, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn do bối cảnh chung của tình hình kinh tế. Mặc dù trong những tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và một số Bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản có tác động đến lĩnh vực bất động sản, tuy nhiên tình cảnh thị trường vẫn trầm lắng và chưa phục hồi được trở lại.

Theo một số đánh giá của các chuyên gia, hiện nay, thị trường bất động sản đang đối mặt với vô vàn khó khăn và thách thức. Tác động của Covid-19 lên thị trường bất động sản là rất rõ ràng khi hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều bất lợi, hàng loạt dự án phải tạm dừng xây dựng...

Trong thời gian vừa qua, các dự án bất động sản mới được cấp phép giảm so với các năm trước đại dịch khiến nguồn cung bất động sản, nhà ở đặc biệt là nhà ở dành cho đối tượng thu nhập thấp vẫn còn hạn chế. Nguồn cung giảm khiến giá bất động sản, nhà ở, đất nền bắt đầu gia tăng kể từ đầu năm 2021.

Thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn dù Chính phủ và cac Bộ, ngành đã vào cuộc.
Thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn dù Chính phủ và các Bộ, ngành đã vào cuộc. (Ảnh minh họa)

Đến cuối năm, giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân khoảng 5-7%; giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15-20%; giá đất nền tăng 20-30% so với thời điểm cuối năm 2020. Điển hình nhất là căn hộ chung cư vốn được xem là biện pháp cứu cánh thì lại liên tục lập những mốc giá mới do số lượng căn hộ chung cư đưa ra thị trường giảm sút. Căn hộ của các chung cư bình dân có mức giá 25-30 triệu đồng/m2 - 30 triệu đồng/m2, chung cư trung cấp có mức giá 30-50 triệu đồng/m2, chung cư cao cấp có mức giá trên 50 triệu đồng/m2 bắt đầu vượt quá khả năng đầu tư của các tầng lớp người dân tương ứng.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết trong những năm qua, thị trường vẫn còn đó những thăng trầm, nhất là năm 2022 vừa qua, thị trường gặp phải không ít khó khăn vướng mắc, nhất là về mặt pháp lý, có tới 70% các vướng mắc xuất phát từ pháp lý.

Theo ông Hiệp hiện nay, thị trường bất động sản đang tồn tại 4 vướng mắc lớn. Thứ nhất, là vấn đề giải phóng mặt bằng; thứ hai, là vấn đề quy hoạch; thứ ba, là định giá đất; thứ tư, là chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Vì vậy, pháp luật cần tập trung vào các vấn đề đã nêu để tháo gỡ cho thị trường.

Bên cạnh đó, vấn đề về thủ tục hành chính cũng là một trong những vướng mắc, gây khó cho doanh nghiệp địa ốc hiện nay.

Theo đó, các doanh nghiệp bất động sản hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thành lập mới trong quý giảm (Quý I/2023 là 940 doanh nghiệp, giảm 63,2% so với cùng kỳ năm 2022), bên cạnh đó số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn lần lượt là 341 doanh nghiệp (tăng 30,2%) và 1.816 doanh nghiệp (tăng 60,7%) so với cùng kỳ năm trước (số liệu tổng hợp từ Tổng cục Thống kê, Cục Đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản hiện đang gặp nhiều thách thức và phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý như tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động. Nhiều doanh nghiệp dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn, có doanh nghiệp giảm đến 50% lực lượng lao động để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại.

Thực tế trong thời gian qua, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương, tích cực triển khai, thực hiện các nhiệm vụ được giao và đạt được một số kết quả cụ thể.

Đến nay, Tổ công tác đã làm việc trực tiếp với nhiều địa phương, tiếp nhận, xem xét, xử lý 112 văn bản liên quan đến 174 dự án bất động sản, với nhiều nội dung kiến nghị về quy hoạch, nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, cấp phép xây dựng, chuyển nhượng dự án…

Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổ công tác đã hướng dẫn, giải đáp khoảng 30 nội dung kiến nghị liên quan tới 180 dự án nhà ở, khu đô thị; cùng 37 văn bản kiến nghị của doanh nghiệp và người dân. Đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo và giải quyết được 67 dự án (tương đương 37,2% so với số lượng 180 dự án ban đầu), trong đó có 28 dự án theo hướng dẫn, đôn đốc của Tổ công tác, có 39 dự án qua rà soát của địa phương.

Tại Hà Nội, Tổ công tác đã giải đáp, hướng dẫn khoảng 20 nội dung kiến nghị liên quan đến 712 dự án nhà ở, khu đô thị. Ngoài ra, có 12 văn bản kiến nghị của doanh nghiệp hiện đã đề nghị UBND Thành phố Hà Nội giải quyết tháo gỡ theo thẩm quyền. Đến nay, Hà Nội đã chỉ đạo và giải quyết được 419 dự án (tương đương 58,8% so với số lượng 712 dự án ban đầu).

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine