ISSN-2815-5823
Thứ hai, 03h05 21/06/2021

Chào mừng 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2021) Làm báo thời công nghệ số

Chào mừng 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2021) Làm báo thời công nghệ số

(KDPT) – Nhớ lại vài chục năm trước, để viết xong một bài báo, đặc biệt là dạng bài có gắn đôi chút đến tư liệu lịch sử, đến số liệu là cả một vấn đề với chúng ta. Ngày nay, thời số hoá – thời của “cụ Google” thì rõ ràng người làm báo đã đỡ vất vả hơn rất nhiều và nhờ thế mà năng suất lao động của nhà báo cũng rất cao.

Trong thực tế, công nghệ số giúp cho bài viết có thêm độ tin cậy nhất định khi tra cứu nghiêm túc, nhất là với ai đó, trong cung cách làm việc còn hơi giản đơn, thiếu thận trọng trong tra cứu, tham khảo tài liệu. Tuy nhiên, nếu người làm báo ngại động não, dùng tư liệu của người khác có chút hơi lạm dụng thì thật đáng tiếc và sẽ bị chỉ trích, lên án về việc mình “đạo văn”.

Tôi nhớ, cách đây vài ba chục năm, tại mỗi kỳ họp Quốc hội, anh em phóng viên nào được cử theo dõi thì đều rất vất vả. Khi tan họp, trở về toà soạn thực hiện bài viết, họ sẽ phải gỡ băng ghi âm rất mất thời gian. Quá trình Quốc hội họp là thời gian các báo bị ảnh hưởng tiến độ chỉ do chờ bài viết về sự kiện Quốc hội, nên toà soạn báo đưa nhà in chậm. Tất cả thường cũng do vậy.

Thế rồi đến một giai đoạn phát triển hơn, nhờ có khoa học công nghệ tiên tiến, anh em phóng viên được Trung tâm Báo chí Quốc hội gỡ băng giúp chỉ sau ít phút phiên họp kết thúc. Và gần đây thì công nghệ tiến bộ hơn nữa, vừa nhanh hơn, mà lỗi chính tả cũng bớt đi nhiều so với trước.

Tất cả là đều nhờ có công nghệ số phát triển ngày một hoàn hảo hơn và nhà báo chính là một trong nhiều đối tượng được thụ hưởng nền tảng công nghệ này.

Để tránh được lằn ranh mong manh của cái gọi là “đạo văn”, cũng như khái niệm như thế nào mới là “đạo văn”, cũng cần xem lại. Thực ra thì nó cũng không dễ và cũng không khó.

Điều trước tiên, theo tôi, khi thời đại của số hoá đã làm thế giới đổi thay nhanh chóng và tiết kiệm thời gian cho mọi người thì cớ gì chúng ta không tận dụng nó? Chỉ cần một cú nhấp chuột là có tất và khỏi đi đến thư viện tra cứu, khỏi phải hỏi nhiều người mất công mà chắc gì đã chính xác!

Theo tôi, với cách nhìn của một người làm báo được hưởng tài nguyên số hoá, chúng ta có thể dùng những tư liệu trên mạng của người khác, thay vì tra cứu trong sách, báo in. Như thế sẽ mất quá nhiều thời gian. Tuy nhiên, thông tin đó cần được hiểu chỉ là số liệu, là thuộc về lịch sử đã được minh định, những đoạn trích dẫn văn kiện, tài liệu đã được công khai, những nhận định của người khác nhưng đã được chú thích đàng hoàng trong ngoặc kép, thì việc thụ hưởng tài nguyên số đó cũng đâu có sao!

Còn nếu như dùng văn của người khác biến thành của mình, nhất là những gì mang yếu tố đã là quan điểm, là nhận xét, là kết luận của người khác thì không được phép và cũng không thể thanh minh một khi dư luận chỉ trích rằng mình “đạo văn”. Họ chỉ trích thì cũng không oan.:

    • Nếu người làm báo ngại động não, lạm dụng dùng tư liệu của người khác thì thật đáng tiếc và sẽ bị chỉ trích, lên án về việc “đạo văn”. Tài nguyên công nghệ số cung cấp thông tin phong phú, nhưng không có nghĩa nhà báo được quyền “lười làm việc”.

Chúng tôi cho rằng, làm báo thời công nghệ số luôn đòi hỏi phải cạnh tranh thông tin quyết liệt. Anh là phóng viên, anh có thể có điều kiện đến dự một sự kiện nào đó đang diễn ra, rồi tường thuật trên báo điện tử thì cũng có thể chấp nhận có ai đó họ sẽ dùng tư liệu này viết lại, nếu họ thấy đủ độ tin cậy ở đồng nghiệp mình, nhưng có sự “xới xáo” đôi chút thì có lẽ cũng có thể chấp nhận. Thứ chấp nhận của thời đại số hoá khi mà mỗi người chúng ta đều mang trên tay chiếc điện thoại thông minh, thứ công cụ có thể biến nhiều thứ trước kia là không thể thì nay đều có thể. Song tinh thần thì cần phân biệt rành mạch, không thể khác: Không cho phép dùng những đoạn viết nào của đồng nghiệp mang tính nhận xét, đánh giá này nọ từ một cuộc hội nghị, cuộc mít tinh hay cuộc hội thảo trên dưới con mắt của nhà báo nọ biến thành của mình. Tôi nghĩ người đọc và người làm báo nói chung cũng dễ chia sẻ với nhau chuyện này và nên như thế.

Tiếc rằng, trong thực tế, đôi khi vẫn xuất hiện những bài viết có sự trùng nhau ở góc độ không bình thường, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Vì thế, để hạn chế những điều không hay như tôi đề cập, người làm báo của thời công nghệ số như chúng ta không nên quá dễ dãi, rồi lạm dụng nó để lười động não, lười làm việc. Chỉ có như vậy thì thông tin trên mặt báo mới phong phú, hấp dẫn bạn đọc và bạn đọc mới thật sự trân quý nghề nghiệp của chúng ta vì không bị nhàm chán.

QUỐC PHONG



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 06/10/2024