ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ năm, 06h43 20/06/2024

Hệ lụy từ câu like, câu view bất chấp trên môi trường mạng

(KDPT) - Thời gian qua, việc lợi dụng sự việc, người nổi tiếng để câu like, câu view bất chấp đã trở thành hiện tượng phổ biến gây ảnh hưởng xấu cho dư luận và xã hội.

Dòng người livestream câu like, view gây phản cảm

Ngày nay, một số người ngày càng tự đặt áp lực lên bản thân để trở thành nhân vật nổi tiếng, thu hút sự chú ý thông qua việc tạo nội dung và bắt trend, bất chấp những hệ quả tiêu cực mà điều này có thể mang lại.

Áp lực từ xã hội và môi trường xung quanh khiến cho nhiều người cảm thấy bị đánh giá dựa trên mức độ nổi tiếng và số lượng lượt theo dõi trên mạng xã hội. Từ đó, cuộc đua để thu hút sự chú ý khiến ngày càng nhiều người dễ dàng sa vào việc chạy theo nhân vật nổi tiếng và sự việc gây tranh cãi để tạo nội dung. Mục tiêu chính của họ là thu hút lượng người xem và lượt theo dõi, thậm chí khi phải đánh đổi sự thật và đạo đức để đạt được mục đích riêng của bản thân mình.

Thời gian vừa qua, vụ việc về ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) bộ hành khất thực đã gây xôn xao trên khắp các phương tiện truyền thông. Hành trình của vị tu sĩ này vô tình trở thành nội dung cho những nhà sản xuất trên mạng xã hội. Rất đông người dân hiếu kỳ đã đổ xô ra đường để theo dõi ông Tuệ, cùng với đó, những youtuber cũng đi theo quay hình, phát trực tiếp với mục đích làm nội dung câu like, câu view bất chấp an toàn giao thông.

Các video này đăng tải có tiêu đề, ảnh bìa thể hiện nội dung "giật tít", "câu view", thông tin sai sự thật về tình hình an ninh trật tự địa phương, gây hoang mang trong nhân dân.

Vụ việc về ông Thích Minh Tuệ gây xôn xao trong thời gian qua, ảnh hưởng đến tình hình trật tự tri an xã hội. (Ảnh: Chụp màn hình)
Vụ việc về ông Thích Minh Tuệ gây xôn xao trong thời gian qua, ảnh hưởng đến tình hình trật tự tri an xã hội. (Ảnh: Chụp màn hình)

Cụ thể, tại kênh YouTube "15s Bình Dương” do ông Nguyễn Văn T. quản lý đã đăng tải các video với nội dung: "Huế bị vỡ trận, anh công an bức xúc nói thẳng điều này khi thấy thầy Thích Minh Tuệ đi qua""Lực lượng C.A khủng khiếp chặn tất cả phương tiện khi thầy Thích Minh Tuệ đi qua". Tại buổi làm việc với cơ quan chức năng, ông Nguyễn Văn T. nhận thức được việc bản thân đăng tải các video có tiêu đề, ảnh bìa thể hiện nội dung "giật tít", "câu view", thông tin sai sự thật về tình hình an ninh trật tự địa phương nơi “sư Thích Minh Tuệ” đi qua đã gây hoang mang trong nhân dân; tạo sự hiếu kỳ, tò mò cho người dân, dẫn đến tụ tập đông người cản trở giao thông, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự.

Ông Nguyễn Văn T. đã viết bản tường trình, xin cam đoan từ nay về sau không tái diễn việc làm tương tự và chịu mọi hình thức xử lý theo quy định của pháp luật.

Hay như câu chuyện nam TikToker V.M.L (30 tuổi) lên mạng xã hội đăng bài với nội dung "bị đuổi khỏi quán vì ngồi xe lăn". Tuy nhiên, khi trích xuất camera lại chứng minh sự thật ngược lại, nhân viên của quán ăn vẫn tận tình hỗ trợ cũng như chủ quán phở khẳng định không hề đuổi khách. Cuối cùng, khi cơ quan chức năng vào cuộc xác minh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với TikToker này với mức phạt 5 triệu đồng.

Nguyên nhân tình trạng câu like, view do đâu?

Theo Tiến sĩ văn hóa Tùng Hiếu - giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM - cho biết, nguyên nhân có sự xuống cấp về văn hóa  này một phần do sự lên ngôi của các nền tảng mạng xã hội khiến nhiều người thu lợi nhờ nội dung về người nổi tiếng (tức việc sản xuất video sẽ được các nền tảng trả tiền bằng lượt xem, lượt xem càng cao thì càng có nhiều tiền). Điều này khiến một số người sản xuất nội dung câu view bất chấp, livestream phản cảm để trục lợi.

Khi công nghệ phát triển, nhiều người đam mê đưa thông tin hời hợt, gây sốc, tạo hiếu kỳ để đáp ứng nhu cầu của một bộ phận công chúng. Với xã hội hiện tại, người ta giờ kiếm tiền bằng lượt like, share, follow, hiện tượng sai lệch, phản cảm này càng trở nên nguy hiểm.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đó là lý do tại sao chúng ta thấy người dùng mạng xã hội tìm mọi cách thức, lợi dụng mọi sự kiện để thu hút quan tâm của công chúng. Điều này không chỉ gây hại cho nạn nhân, người nhà của nạn nhân mà còn đầu độc suy nghĩ của công chúng, nhất là người trẻ. TS. Hiếu chia sẻ.

Mọi người cần nhìn nhận rằng sự nổi tiếng không phải lúc nào cũng mang lại hạnh phúc và sự thỏa mãn. Ngay cả những người được chú ý nhiều nhất cũng có thể trở thành nạn nhân của sự quan tâm quá mức từ công chúng. Họ có thể cảm thấy bị xâm phạm quyền riêng tư, không được tự do và không thể sống cuộc sống bình thường như bất kỳ ai khác.

Tìm cách giải quyết triệt để vấn đề nhức nhối

Để giải quyết vấn đề này, có thể thấy cần có sự thay đổi trong tư duy và hành vi của cả người dùng và các nền tảng truyền thông xã hội để xây dựng một môi trường trực tuyến đạo đức và lành mạnh hơn. Giới trẻ cần được khuyến khích tạo ra nội dung chất lượng và tôn trọng quyền riêng tư của người khác. Các nền tảng truyền thông xã hội cũng cần đảm bảo rằng có chính sách và quy định để ngăn chặn và xử lý các trường hợp trên.

Bên cạnh đó, TS. Hiếu cho rằng, cần có những hình thức xử phạt nghiêm, mang tính làm gương để tạo ra bài học cho xã hội. Hơn nữa, người dùng mạng xã hội cũng cần tỉnh táo trước những thông tin độc hại, nên tìm những nguồn chính thống từ báo chí, truyền hình... để đọc, tìm hiểu chứ không thể dựa vào những nhà sản tạo nội dung thiếu kiểm chứng.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định, những người livestream hình ảnh trong những sự kiện nhạy cảm, riêng tư như thế đã thực sự vi phạm nguyên tắc đạo đức, tạo nên những hình ảnh xấu xí, để lại môi trường độc hại cho mạng xã hội. Đây là những điều đáng tiếc khi chúng ta đang nỗ lực xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên mạng xã hội để định hướng hoàn thiện nhân cách cho từng cá nhân.

Những hành động, hoặc mang tính bộc phát, hoặc chủ ý để thu hút sự hiếu kỳ, tò mò của một bộ phận công chúng mạng nhằm quảng bá bản thân, kiếm tiền bất chấp những nguyên tắc đạo đức cộng đồng từ những lượt like, share, follow, dù có thể mang tính cá nhân, nhỏ lẻ, nhưng sẽ trở thành những mầm mống xói mòn đạo đức chung của xã hội, dẫn lối cho những điều xấu khác len lỏi vào trong cuộc sống. Vì thế, chúng ta cần chung tay lên án những hành vi lệch chuẩn này để trả lại những điều tốt đẹp cho xã hội.

Thị trường giải trí nói chung hay việc sáng tạo nội dung trên các trang mạng xã hội nói riêng như Tik Tok mang tính cạnh tranh rất cao. Để thu hút lượng người xem, nhiều người sáng tạo nội dung cho Tik Tok, YouTube, Facebook,... tìm nhiều cách để tạo nội dung hấp dẫn. Hành động bất chấp đạo đức của các Tiktoker, Youtuber bắt đầu từ cách tạo dựng sự ảnh hưởng và kiếm tiền trên mạng xã hội video nhờ vào lượng view. Chỉ có view chứ không có tiêu chuẩn cho chất lượng view. Thế nên cứ nhiều là đồng nghĩa với có tiền, có sự quan tâm, có sự nổi tiếng. Vì thế một số người tìm cách có view bằng mọi cách.

Nếu tình trạng này còn kéo dài và không có sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan có thẩm quyền thì có thể dẫn đến các hệ lụy nghiêm trọng về sau.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 02/07/2024